Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Quảng Ninh dưới 2 con số
Sau 9 năm liên tiếp đạt 2 con số, dự kiến năm 2024 tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh chỉ đạt 8,42% mà nguyên chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi.
Ngày 5/12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, khai mạc Kỳ họp thứ 23 đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh, năm 2024 có những thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức nhiều hơn. Gần đây nhất là cơn bão Yagi lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản (tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại gần 25.000 tỷ đồng - PV).
Vì thế, kinh tế địa phương mặc dù tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhưng không đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số năm thứ 10 liên tiếp khi chỉ ước đạt 8,42%. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 6 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 20 cả nước. Quy mô nền kinh tế địa phương ước đạt 347.534 tỷ đồng, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 7 cả nước.
Năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 109.400 tỷ đồng, tăng 10%. Khách du lịch ước đạt 19 triệu lượt, tăng 20%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến ngày 30/11/2024 đạt hơn 2,3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến ngày 30/11/2024 đạt 47.543 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Diện thông tin, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng đã xây dựng kế hoạch, đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu để tập trung thực hiện. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 12%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 57.330 tỷ đồng (trong đó thu xuất - nhập khẩu đạt 17.800 tỷ đồng, thu nội địa không thấp hơn 39.530 tỷ đồng).
Cùng với đó, tăng cường xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, tự lực, tự cường. Tạo bứt phá trong phát triển kinh tế cũng như cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.