Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: Đối lập bức tranh Đông-Tây
Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những cơn gió ngược, bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng và mới đây là biến động của ngành ngân hàng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố hôm 11/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm nay đã mờ đi khi đối mặt với tình trạng lạm phát tiếp tục tăng cao, lãi suất gia tăng và tình trạng bất ổn của nền tài chính toàn cầu sau vụ sụp đổ 3 ngân hàng ở Mỹ vào tháng trước.
Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 2,8%, giảm từ mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2022 và thấp hơn một điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó vào tháng 1 là 2,9%.
Trong khi đó, IMF dự báo lạm phát toàn cầu trong năm 2023 sẽ giảm, mặc dù chậm hơn so với dự đoán trước đó, từ 8,7% vào năm ngoái xuống còn 7% vào năm nay trước khi giảm sâu về mức 4,9% vào năm 2024.
IMF cũng cảnh báo nền kinh tế thế giới có nguy cơ "hạ cánh cứng”, trong đó lãi suất tăng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái, đặc biệt là ở các nước giàu. Những điều kiện này có thể làm gia tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu.
Một báo cáo khác về Sự ổn định Tài chính Toàn cầu của IMF cũng cảnh báo nền kinh tế thế giới đang bước vào “giai đoạn nguy hiểm” trong đó tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức thấp so với các dự báo và rủi ro tài chính gia tăng nhưng lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt một cách nhanh chóng.
Mỹ lạc quan, châu Âu còn chật vật
Báo cáo của IMF đưa ra triển vọng nền kinh tế của Mỹ khá lạc quan với dự báo tăng trưởng năm 2023 là 1,6% so với mức 1,4% mà tổ chức dự báo hồi tháng 1 trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn khá mạnh mẽ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ lạc quan đối với tình trạng kinh tế Mỹ hiện nay và hệ thống ngân hàng tương đối ổn định.
“Nền kinh tế Mỹ rõ ràng đang hoạt động rất tốt với việc tạo ra nhiều việc làm, lạm phát giảm dần và chi số tiêu dùng tăng mạnh. Do đó tôi không dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái kinh tế mặc dù điều đó vẫn còn là một rủi ro”, bà Yellen nhận định.
Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến ở châu Âu phải đang vật lộn để đối phó với lạm phát, giá cả tăng cao cũng như những tác động từ sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mà điển hình là trường hợp ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ. IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế chung ở châu Âu vào năm 2023 chỉ ở con số 0,8%, giảm mạnh so với tăng trưởng 2,7% của năm ngoái.
Đối với Anh, IMF dự báo nền kinh tế nước này sẽ "dễ thở” hơn trước các cơn gió ngược của nền kinh tế toàn cầu, song vẫn đang trên đà hứng chịu sự suy giảm mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội của Anh sẽ giảm 0,3% vào năm 2023, nhỏ hơn so với mức giảm 0,6% trước đó.
Trong khi đó, IMF dự báo lạm phát của Anh sẽ giảm từ mức 9,1% vào năm ngoái xuống còn 6,8% trong năm nay. Dù vậy con số này vẫn còn rất cao so với mục tiêu kéo lạm phát khu vực xuống còn 2% của Ngân hàng châu Âu và cao nhất trong những nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7).
Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) cũng chịu chung số phận như Anh khi IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 giảm xuống con số âm 0,1% trước khi tăng trưởng trở lại 1,1% vào năm 2024.
Nền kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương tăng tốc
Trong bản cập nhật kinh tế mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ tăng tốc trong năm 2023 nhờ vào việc hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.
WB nhận định, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục phục hồi trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều làn sóng ngược của nền kinh tế thế giới. Khu vực cũng được cho là có mức tăng trưởng chung nhanh hơn và ổn định hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới, bao gồm các nền kinh tế tiên tiến, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Theo đó, khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5,1% trong năm nay, tăng từ mức 3,5% vào năm 2022. Dự báo này tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo mà WB công bố hồi tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, IMF dự đoán tăng trưởng khu vực châu Á trong năm 2023 sẽ tăng lên mức 4,4% so với mức 3,8% vào năm ngoái.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Ngay cả khi tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ thấp hơn trong năm nay, những tác động đối với khu vực dự kiến sẽ được bù đắp một phần bởi sự phục hồi của Trung Quốc.
Dù vậy, WB cũng cảnh báo các nền kinh tế trong khu vực phải nỗ lực để lèo lái những biến động của môi trường thế giới, bao gồm gia tăng căng thẳng thương mại, dân số già hóa nhanh chóng và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu.