Tăng trưởng 'thần tốc', thương mại điện tử vẫn thiếu hành lang pháp lý
Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên các sàn thương mại điện tử lớn ngày càng tăng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã có những đơn hàng mang lại doanh số rất lớn hằng tháng. Điều này cho thấy xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới sẽ là bước đột phá, tạo nên sự bùng nổ cho kinh tế số Việt Nam nhưng cần có chế tài siết chặt quản lý.
Tổng cục Hải quan cho biết hiện nay Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT), dẫn đến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Tăng trưởng “thần tốc”
Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng những năm gần đây đạt 25%. Tính riêng giá trị giao dịch TMĐT 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 13,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, doanh thu TMĐT năm nay có thể đạt 27,5 - 28 tỷ USD.
Theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop ước đạt 156.000 tỷ đồng. Sự gia tăng này vẫn tiếp tục diễn ra trong những tháng vừa qua, chỉ tính riêng tháng 8, tổng doanh thu từ 5 sàn TMĐT này đạt 27.729 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,13% so với tháng 7.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tăng trưởng đột phá nhờ kinh doanh qua TMĐT. Theo thống kê của Amazon Global Selling, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 triệu USD/năm tăng vọt gần gấp 10 lần; Trong đó, danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt gồm: Sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp...
Một cái tên đáng chú ý là Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) sau hơn một năm đưa các sản phẩm lên kệ Amazon, CVI Pharma đã thu về hơn 20.000 USD mỗi tháng từ hàng chục nghìn đơn hàng xuất khẩu tới 22 quốc gia.
Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Có thời điểm sản phẩm chủ lực của công ty là CumarGold - chiết xuất tinh bột nghệ nano curcumin "cháy hàng" trên Amazon nhờ chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã bắt mắt”.
Tương tự, ông Đặng Thanh Định, Đồng sáng lập, CEO Nerman không ngần ngại chia sẻ: “Nếu đi theo hướng phát triển của các mô hình truyền thống, chúng tôi sẽ không bao giờ vươn tới mốc doanh thu triệu USD khi chỉ hơn 1 năm sau khi thành lập, với mốc doanh số trong quý là 1,3 triệu USD”.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi việc bán hàng đa kênh, xuất khẩu trực tiếp ra thế giới một cách nhanh chóng và dễ dàng, với một chi phí thấp. Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được kênh bán hàng này.
Theo ông Hiệu thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi kinh doanh trên các sàn TMĐT, đặc biệt là sàn quốc tế như Amazon là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu quốc tế và nhiều yếu tố khác. "Khách hàng sẽ không dễ dàng chấp nhận sử dụng sản phẩm ngay qua quảng cáo mà cần cả quá trình giới thiệu, sử dụng và tin tưởng để nhận về đánh giá tin cậy từ người dùng. Những đánh giá này vừa là thử thách nhưng cũng sẽ là lời khẳng định giúp những nhãn hàng hoặc sản phẩm chất lượng có được vị trí của mình", ông Hiệu cho biết.
Ở góc độ tổng quan, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh nhận định: "Trong vòng 7-8 năm qua, Shopee đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua TMĐT ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp cần thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; Các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới”.
‘Siết’ quản lý hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng hiện nay Việt Nam chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua TMĐT. Do đó, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của TMĐT, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM, đánh giá: TMĐT Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp, các bên tham gia đồng thời phải đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo về về an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà chúng ta đã ký kết với song phương, đa phương.
Thực tế, hiện nay khi tham gia vào các hoạt động giao dịch TMĐT, các tổ chức, cá nhân thường mua hàng thông qua các hệ thống giao dịch điện tử, hoạt động vận chuyển hàng hóa được thực hiện thông qua các công ty chuyển phát nhanh.
Do vậy, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch TMĐT, ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Tổng cục Hải quan hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau khi có hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ cho việc quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch trên sàn thì khi đó Nghị định này sẽ ban hành và chính thức đi vào cuộc sống”, ông Tám cho hay.
Đối với dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với sản xuất, nhập khẩu, ông Kiên kiến nghị, dự thảo rất cần thông tin để đảm bảo quản lý tập trung bao gồm cả thông tin người bán, người mua thông tin, những hàng hóa, thành phẩm có liên quan, giúp cho tất cả cùng tham gia vào, từ những người tham gia trong chuỗi cung ứng cho đến cơ quan quản lý nhà nước sẽ theo dõi một cách toàn trình cũng như là đồng bộ hóa về các chính sách, thủ tục. “Điều này sẽ giúp cho công tác từ khai báo hải quan điện tử đến kê khai thuế, theo dõi thanh toán cũng như phòng, chống trục lợi, gian lận và cũng như bảo vệ các giá trị hay là Luật sở hữu trí tuệ sẽ được tốt hơn”, ông Kiến cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp vận chuyển, bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT kỳ vọng Nghị định có thể sớm đưa vào hiệu lực nhằm đảm bảo tạo thuận lợi thương mại.