Tăng trưởng tín dụng cần chú trọng cả chất và lượng
Theo các chuyên gia, tín dụng được nhận định sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành Ngân hàng trong năm 2025, bên cạnh nỗ lực gia tăng thu ngoài lãi. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn sẽ là bài toán mà các nhà băng cần chú trọng để đảm bảo gia tăng cả về số lượng và chất lượng tín dụng.
Vừa qua, NHNN đã có văn bản gửi các TCTD, thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16% và tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD được căn cứ trên kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023, theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu TCTD tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các giải pháp bao gồm tiết giảm chi phí, miễn giảm phí không cần thiết, công khai mức phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay và ứng dụng công nghệ để giảm lãi suất cho thấy quyết tâm của cơ quan điều hành để đạt được mức tăng trưởng tín dụng là rất lớn.
Ngoài ra, trong một báo cáo mới phát hành, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán TPS nhận định triển vọng tăng trưởng tín dụng trong 2025 rất tích cực, khi việc Việt Nam đang trở thành điểm đến của các doanh nghiệp đa quốc gia, như tập đoàn đa quốc gia NVIDIA, sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế và nhu cầu vốn trong năm sau.
Cũng lạc quan về tăng trưởng tín dụng 2025, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Nguyễn Thị Phương Lan cho biết, năm 2025, nhu cầu vốn tín dụng ngắn hạn của các doanh nghiệp niêm yết vẫn tương đối khả quan, được hỗ trợ bởi nhu cầu tái cấu trúc nợ của doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp sản xuất khác. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư để mở rộng sản xuất.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025 của Vụ Dự báo, Thống kê - NHNN vừa công bố cũng cho thấy, trong quý I/2025 và cả năm 2025, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng cải thiện tốt hơn so với quý IV/2024 và năm 2024, khi nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi. Trong đó, nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Nhờ vậy, các TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý I/2025 và cả năm 2025, với 74,6 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. Trong năm 2025, có 85,1% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2024.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới những thách thức cũ vẫn còn hiện hữu từ năm 2024 và dự báo sẽ tiếp tục là "nỗi lo" của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Chuyên gia kinh tế PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn gia tăng, nhất là sắp tới khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã hết hiệu lực, vì vậy cần các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản, điều này có thể sẽ bào mòn lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến bất động sản.
Trên bình diện quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gửi đi tín hiệu sẽ thận trọng hơn trong điều hành khi dự báo chỉ có 2 đợt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này cũng không tạo ra nhiều dư địa để Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, vì khi đó sẽ gây áp lực tới tỷ giá. Theo đó, NHNN tiếp tục đối diện với câu chuyện đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá, giữa thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ cần bám sát tình hình thực tế trên toàn cầu, có chiến lược rõ ràng, không thể để việc điều hành chính sách rơi vào vòng xoáy xử lý tình huống. Theo đó, cần đẩy mạnh vai trò của chính sách tài khóa trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chính sách tiền tệ cần ưu tiên ổn định vĩ mô. Hiện lãi suất cho vay đã ở mức thấp, phù hợp với điều kiện “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp. Việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay cần rất cân nhắc trong thời gian tới.