Tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trong bảo trì hệ thống quốc lộ lên 75%

Tại cuộc họp ngày 14-7 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chủ trì, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh hơn việc sử dụng vật liệu tái chế trong bảo trì hệ thống quốc lộ.

Vật liệu tái chế đã được sử dụng trong bảo trì hệ thống quốc lộ

Vật liệu tái chế đã được sử dụng trong bảo trì hệ thống quốc lộ

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện toàn bộ các dự án bảo trì quốc lộ đã áp dụng công nghệ cào bóc tái chế, trong đó tái chế nóng có tiêu chuẩn tận dụng 50% cốt liệu.

Trong năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ kết hợp với đối tác Nhật Bản nghiên cứu, nâng mức tái chế đến 75%. Đồng thời, các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ này trong thi công, sửa chữa công trình giao thông.

Hiện Nhật Bản đã ứng dụng công nghệ tái chế đến 95% và có quy định bắt buộc các công trình đường bộ (trừ đường cao tốc) và các công trình sửa chữa diện tích trên 500m² phải ứng dụng công nghệ tái chế.

Công nghệ cào bóc tái chế nóng là phương pháp tái tạo mặt đường cũ bằng cách sử dụng nhiệt để làm mềm và tái chế lớp vật liệu asphalt, sau đó trộn với vật liệu mới và rải lại, tạo thành một lớp mặt đường mới.

Công nghệ này đang được ứng dụng rộng rãi trong việc sửa chữa, nâng cấp và bảo trì các công trình giao thông, do ưu điểm tiết kiệm vật liệu và chi phí, giảm thiểu rác thải xây dựng, thi công nhanh, giảm thiểu tác động đến môi trường.

MINH ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tang-ty-le-su-dung-vat-lieu-tai-che-trong-bao-tri-he-thong-quoc-lo-len-75-post803739.html