Tăng tỷ lệ vốn nhà nước sẽ thu hút đầu tư cho các dự án PPP?

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Sáng 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn.

Thay đổi tư duy mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hà Giang) bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hà Giang) phát biểu tranh luận.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hà Giang) phát biểu tranh luận.

Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP.

Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.

Trả lời ý kiến tranh luận về giải pháp thu hút đầu tư vào dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, sau khi ban hành Luật PPP, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án PPP.

Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước, về đầu phương tiện có 5,2 triệu ô tô, riêng Hà Nội và TP.HCM chiếm xấp xỉ 50%, do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều dự án từ những năm 2016 hiện nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.

Về giải pháp, Bộ Giao thông vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội.

Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định. Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án. Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.

Tỷ lệ vốn của Nhà nước nên tùy vào từng dự án PPP

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia vốn nhà nước vào các dự án PPP, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, ở các quốc gia khác không quy định tỷ lệ vốn của nhà nước mà tùy theo tính chất của từng dự án, nhưng ở Việt Nam, Bộ trưởng vẫn đưa ra con số khoảng 70%.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đối với các cái dự án PPP cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án vào trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của nhà nước bao nhiêu cho phù hợp. Đặc biệt là vốn của nhà nước vào các dự án ở những vùng khó khăn, vùng xa xôi cần phải phát triển ra cơ sở hạ tầng giao thông theo phương thức này.

“Sắp tới, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, các dự án PPP đang bế tắc, mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc” - đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Trước đó, tại phiên chất vấn chiều 6/11, trả lời đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề thu hút các dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết từ khi có Luật PPP được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ ngành địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp thì về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vấn đề lớn quan ngại là giải phóng mặt bằng, thường các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kì họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỉ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-ty-le-von-nha-nuoc-se-thu-hut-dau-tu-cho-cac-du-an-ppp.html