Tăng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức nào để người dân chấp nhận xe điện Hybrid?

Đại diện KPMG kiến nghị, ưu đãi cho xe điện Hybrid tự sạc HEV về mức 70% và xe PHEV về 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại.

Ngày 1/8, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức Hội thảo về "Dự thảo Quy định sửa đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô: Tác động và kiến nghị".

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Luật thuế này dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tại dự thảo, nội dung về mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (Hybrid) và xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép nhận được nhiều quan tâm.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất, nâng thuế TTĐB cho dòng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép lên ngưỡng 24%, 30%, 36% với lần lượt dòng xe theo dung tích xi lanh đến 2.000cm3, đến 2.500cm3, 3.000cm3.

Với dòng xe điện Hybrid, bộ này giữ nguyên mức thuế suất hiện hành. Cụ thể, với dòng xe điện Hybrid tự sạc (HEV), mức thuế TTĐB ngang bằng mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%). Còn xe điện Hybrid sạc điện riêng (PHEV) ở mức 70% thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng lọai.

Hội thảo diễn ra ngày 1/8. Ảnh: Hồng Hạnh.

Hội thảo diễn ra ngày 1/8. Ảnh: Hồng Hạnh.

Các nước ưu đãi ra sao?

Tại hội thảo, đại diện Công ty kiểm toán quốc tế KPMG cho rằng, mức trên chưa phù hợp trong bối cảnh điện khí hóa ô tô là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.

Theo lập luận KPMG, Việt Nam đã có những chính sách về môi trường và phát triển xe điện hóa để hướng đến cam kết Netzero vào năm 2050. Như là Quyết định 876 của Bộ GTVT hướng tới giao thông xanh; chính sách ưu đãi về thuế TTĐB và thuế trước bạ cho xe thuần điện (BEV)…

Tuy nhiên, việc thực thi khi chuyển đổi sang xe thuần điện đang gặp một số khó khăn nên lượng xe điện vẫn còn khiêm tốn.

Bởi lẽ, chúng ta cần thêm thời gian và nguồn lực để phát triển hạ tầng trạm sạc điện; cần thời gian chuyển đổi nguồn điện "xanh, sạch"…

Đặc biệt, cần thời gian thay đổi tâm lý và thói quen của người tiêu dùng để chuyển sang dùng xe thuần điện.

Để thay đổi thói quen đó, theo đại diện KPMG, chúng ta cần có chính sách giá mua xe tốt hơn cho người tiêu dùng.

Thực tế, hiện giá bán lẻ dòng xe Hybrid cao hơn từ 10 - 20% so với xe xăng, dầu cùng loại, đại diện KPMG cho rằng, việc giảm thuế để giảm giá mua cho người tiêu dùng là cần thiết.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế từ những nền kinh tế có đặc điểm tương đồng và trình độ phát triển như Việt Nam, KPMG cho biết, hiện Thái Lan áp dụng thuế suất thuế TTĐB ưu đãi thấp hơn từ 17-27% so với xe xăng hoặc tương đương, nhờ đó thị phần xe HEV tăng từ 2% đến 15% giai đoạn 2018-2023; Tại Indonesia thuế suất ưu đãi thấp hơn từ 8 - 40%, nên doanh số bán xe tiết kiệm năng lượng tăng trưởng 22%/năm, xe HEV chiếm 75% tỷ lệ xe điện hóa bán trong năm 2023.

Các quốc gia có thị phần xe điện lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ còn trợ cấp, miễn thuế mua hàng, tín dụng…

Trước thực tế trên, đại diện KPMG kiến nghị, ưu đãi cho xe điện Hybrid tự sạc HEV về mức ưu đãi 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại và xe PHEV về 50% và giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB như hiện nay đối với dòng xe pick-up chở hàng cabin kép (lần lượt cho các dung tích xi lanh là 15%, 20% và 25%).

Tăngưu đãi để giảm phát thải

Với mức đề xuất trên, KPMG tự tin sẽ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dòng xe này vì giá bán lẻ giảm về gần bằng xe động cơ đốt trong. Ví dụ, dòng xe Corolla Cross bản HEV sẽ giảm từ 955 triệu đồng xuống còn 876 triệu đồng, chỉ cao hơn khoảng 16 triệu đồng so với bản Corolla Cross bản động cơ đốt trong.

Phân tích tác động của đề xuất, đại diện KPMG cho rằng, nếu đề xuất trên được áp dụng từ năm 2026 thì ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 có thể chỉ giảm 23.500 tỷ đồng, nhưng lượng phát thải CO2 sẽ giảm 2,66 triệu tấn. Tức, việc giảm phát thải CO2 sẽ giúp tiết kiệm hơn 333 tỷ đồng nếu tính đơn giá tín chỉ carbon 5 USD/tấn.

Bên cạnh đó thúc đẩy sử dụng xe HEV và PHEV sẽ giúp tiết kiệm hơn 26.880 tỷ đồng tiêu thụ nhiên liệu trong giai đoạn 2026-2030.

"Ưu đãi cho HEV/PHEV tuy có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước trong ngắn hạn, nhưng mang lại các lợi ích khác về kinh tế, môi trường, ngành và xã hội tương đương", KPMG đánh giá.

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, lượng xe Hybrid từ năm 2020 đến nay chỉ chiếm khoảng 0,7% so với tổng lượng tiêu thụ ô tô được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu và hơn khoảng 1% so với tổng lượng ô tô con.

Như vậy, số lượng này rất ít. Do đó, để khuyến khích tiêu dùng dòng xe này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, chính sách ưu đãi cũng cần nghiên cứu tính toán hợp lý.

Đồng quan điểm, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Đào Công Quyết cũng mong muốn có thêm ưu đãi cho dòng xe Hybrid. Bởi lẽ, dòng xe PHEV/HEV được đánh giá đem lại những tác động tích cực bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; khuyến khích, tăng đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ Hybrid, hạ tầng trạm sạc, đưa ra các thiết kế xe sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách tương ứng; tạo ra các cơ hội để phát triển chuỗi giá trị của ngành…

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-uu-dai-thue-tieu-thu-dac-biet-muc-nao-de-nguoi-dan-chap-nhan-xe-dien-hybrid-192240801130806572.htm