Tạo bước đột phá mới trong phát triển du lịch
Tây Ninh, một tỉnh biên giới nằm ở khu vực Đông Nam Bộ đang tạo ra bước đột phá mới trong phát triển du lịch. Không chỉ nổi bật với những địa danh nổi tiếng như, núi Bà Đen, Tòa Thánh Cao Đài hay Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh còn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, mang đến những trải nghiệm độc đáo và gần gũi cho du khách.

Đỉnh núi Bà Đen mây bao phủ bồng bềnh tuyệt đẹp. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Gắn kết văn hóa - du lịch
Tây Ninh đang khẳng định vị thế điểm đến văn hóa độc đáo khi tận dụng triệt để giá trị phi vật thể gắn với du lịch cộng đồng. Du khách đến Tây Ninh được tham quan những địa danh nổi tiếng, có cơ hội trải nghiệm hoạt động văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của các cộng đồng địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng là chiến lược quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.
Tại khu du lịch Núi Bà Đen, trong dịp lễ, du khách được thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, hòa mình vào những điệu múa Chhaydăm đặc sắc cùng các giá trị văn hóa dân gian đặc trưng. Các giá trị văn hóa được tiếp nối đến du khách qua hành trình tour kết hợp trình diễn nghệ thuật để tạo nên khoảnh khắc, điểm nhấn độc đáo, thu hút du khách, góp phần nâng cao giá trị du lịch và hình ảnh Tây Ninh trong mắt du khách quốc tế.
Tây Ninh triển khai chiến dịch tuyên truyền các di tích lịch sử, đặc biệt là nghệ thuật múa trống Chhay dăm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên kênh truyền thông có nhiều khách quốc tế tiếp cận như Tạp chí Heritage và TVC Bay cùng Vietnam Airlines (phim quảng cáo). Các lễ hội Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ hội Chế biến món ăn chay… không chỉ được khôi phục mà còn hòa quyện với trải nghiệm tại homestay, trải nghiệm nông nghiệp và các trò chơi dân gian.
Chính sự kết hợp giữa bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử và khai thác vẻ đẹp tự nhiên đã giúp Tây Ninh thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, nâng cao giá trị du lịch bền vững. Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lượng du khách tới Tây Ninh đạt khoảng 138.100 lượt, tăng 25,5%; tổng thu ước đạt 106,3 tỷ đồng, tăng 43,3% so với năm trước.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Trần Thị Huy Hoàng thông tin, lượng khách du lịch tăng mạnh nhất trong dịp lễ là nhờ các hoạt động và dịch vụ được nâng cao chất lượng. Cụ thể, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, tỉnh khánh thành và đưa vào vận hành phòng trình chiếu Mapping cùng bộ phim "Bác Hồ với miền Nam". Sản phẩm được đưa vào phục vụ các đoàn khách tham quan tự do đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại nơi được xem là cái nôi của cách mạng miền Nam.
Các khu, điểm du lịch và di tích lịch sử được bổ sung lực lượng thuyết minh trực 100%, đảm bảo việc đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan trong suốt dịp lễ. Công tác vệ sinh, an ninh trật tự và an toàn phòng cháy, chữa cháy được thực hiện nghiêm túc. Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch được tuyên truyền rộng rãi, tạo ra môi trường du lịch thân thiện và chuyên nghiệp.
Cải tiến, tạo ra sản phẩm mới
Tây Ninh đang tích cực triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, một hình thức du lịch vừa bảo tồn được giá trị văn hóa, lịch sử vừa khai thác vẻ đẹp tự nhiên của địa phương. Điểm đặc biệt của mô hình này là sự tham gia chủ động của cộng đồng dân cư.
Ngành du lịch chủ động hướng dẫn và định hướng công ty du lịch lữ hành xây dựng chương trình du lịch mới, kết nối với sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn liền lợi thế và tiềm năng của địa phương. Đã có hai chuyến khảo sát (famtrip) tại 15 điểm du lịch để phát triển các tour tuyến mới và khai thác tiềm năng du lịch tại 6 huyện, thị xã và thành phố.
Bên cạnh các tour du lịch, Tây Ninh tập trung phát triển sản phẩm du lịch nông thôn. Tỉnh xây dựng các điểm du lịch như, Hợp tác xã Mãng cầu Minh Trung, Trang trại Dưa lưới Bà Đen Farm, cơ sở sản xuất Trà Tâm Lan, trà Hoàn Ngọc 7 Nga… giúp tăng cường trải nghiệm cho khách, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân và giúp quảng bá đặc sản địa phương.
Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Tây Ninh như, mãng cầu, dưa lưới, trà Tâm Lan… đã và đang được phát triển theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, giúp du khách có thêm sự lựa chọn khi mua sắm và làm quà tặng.
Tháng 4/2025, doanh thu từ hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và các dịch vụ khác của Tây Ninh ước đạt 2.315,6 tỷ đồng, tăng 0,87% so với tháng trước. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 38 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ ăn uống trong tháng ước đạt 1.335,7 tỷ đồng...
Tây Ninh ghi nhận doanh thu từ các hoạt động dịch vụ khác trong tháng 4 ước đạt 939,79 tỷ đồng, tăng 0,18% so với tháng trước. Trong đó, hoạt động nghệ thuật, vui chơi và giải trí chiếm tỷ trọng lớn, ước đạt 485,96 tỷ đồng. Tổng doanh thu dịch vụ khác trong 4 tháng đầu năm đạt 3.914,7 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, một yếu tố quan trọng khác trong sự phát triển du lịch Tây Ninh là việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá. Tỉnh triển khai ứng dụng mã QR tại 73 điểm tham quan, kết hợp công nghệ AR – VR 360 độ để tạo ra các tour du lịch thực tế ảo. Công nghệ NFC đã được thử nghiệm tại ba điểm du lịch lớn, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và nâng cao trải nghiệm.
Đặc biệt, việc triển khai bộ nhận diện thương hiệu "Tây Ninh Xanh" giúp tỉnh xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch nổi bật, thân thiện và dễ nhận diện. Bộ nhận diện này được áp dụng trên hơn 80 sản phẩm và công cụ truyền thông, từ các ấn phẩm, vật phẩm văn phòng đến phương tiện truyền thông trực tuyến, mang lại hiệu quả cao trong các chiến dịch quảng bá du lịch và phát triển kinh tế.