Vĩnh Phúc: Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh

Với nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, nhờ được tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quảng bá, tuyên truyền, đầu tư cơ sở hạ tầng, loại hình du lịch này đã có nhiều khởi sắc và có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách gần xa.

Khu du lịch Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Khu du lịch Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Sức hút du lịch văn hóa tâm linh, thế mạnh của Vĩnh Phúc

Với gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, so với các địa phương trong cả nước, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan, chùa Tây Thiên Đại Đình Tam Đảo Vĩnh Phúc còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa đặc sắc

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan, chùa Tây Thiên Đại Đình Tam Đảo Vĩnh Phúc còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa đặc sắc

Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những điểm đến du lịch đầy tiềm năng ở miền Bắc Việt Nam, sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú và hệ thống dịch vụ du lịch phát triển. Với lợi thế nằm gần Hà Nội, Vĩnh Phúc có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Tam Đảo - Thị trấn Du lịch hàng đầu thế giới, thiên đường nghỉ dưỡng với khí hậu mát mẻ quanh năm, hồ Đại Lải - khu du lịch sinh thái hồ lý tưởng, và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam.

Những năm gần đây, khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo thực sự trở thành điểm thu hút khách du lịch lớn nhất của Vĩnh Phúc bởi nơi đây hội tụ khí thiêng, đậm chất tâm linh không phải nơi nào cũng có được. Không những thế, Tây Thiên còn nổi tiếng với hệ thống di tích dày đặc, phong phú, có 111 di tích các loại, trong đó có 27 đình, 35 đền, 7 lăng miếu, 5 di tích lịch sử cách mạng, 2 Thiền Viện Trúc Lâm.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, là nơi diễn ra các hoạt động thiền học và tu tập

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam, là nơi diễn ra các hoạt động thiền học và tu tập

Cùng với Tây Thiên, Chùa Hà Tiên kết nối với Văn Miếu của tỉnh - nơi tri ân 392 vị danh nhân của Vĩnh Phúc từ năm 1124 đến năm 1919 cũng là điểm tham quan lý tưởng được nhiều du khách lựa chọn. Ngôi chùa được xây dựng trên nền ngôi cổ tự thời Lý Trần, đã được phục hồi để trở thành trung tâm tu tập lớn của tăng, ni - nơi hoằng pháp cho đông đảo phật tử. Vườn tháp trong chùa với nguyên vẹn 8 ngôi cổ tháp mang đặc điểm của mộ tháp sư thời Hậu lê và thời Nguyễn đã trở thành nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về giá trị kiến trúc nghệ thuật loại hình tháp mộ này. Khách đến chùa vãn cảnh, cầu an thường rải rác quanh năm nhưng đông nhất vẫn là những ngày đầu năm mới, có những ngày, chùa Hà Tiên đón cả nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm bái.

Không khí trang nghiêm, môi trường sạch đẹp là hình ảnh mà du khách thường dễ dàng bắt gặp tại các điểm di tích lớn nhở, từ khu danh thắng Tây Thiên, đến Tháp Bình Sơn, huyện Sông Lô, Đền Thính, huyện Yên Lạc, Đền Ngự Dội, huyện Vĩnh Tường, chùa Am, huyện Lập Thạch.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc tích cực. Tỉnh đã đón trên 3,7 triệu lượt khách, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng khách quốc tế đạt gần 35.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ

Giám đốc Sở VH,TT&DL Vĩnh Phúc Ngô Chí Tuệ

Ông Ngô Chí Tuệ - Giám đốc Sở VH, TT&DL Vĩnh Phúc cho biết: “Để gìn giữ và phát triển du lịch văn hóa tâm linh ngày càng sâu rộng hơn, tôi xin chia sẻ những định hướng và kế hoạch mà chúng tôi đã và đang triển khai để gìn giữ và phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh như sau: Về bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa: Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác kiểm kê, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia như: Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo); di tích khảo cổ học Đồng Đậu, đền Thính (Yên Lạc); tháp Bình Sơn (Sông Lô); đình Thổ Tang, đền Phú Đa (Vĩnh Tường); đền thờ Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch)… Đồng thời, lập hồ sơ khoa học, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; triển khai các kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích chiến khu Ngọc Thanh; tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng”.

Cũng theo ông Tuệ, về xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng: Chúng tôi xác định khu danh thắng Tây Thiên được định hướng trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh lớn của miền Bắc, kết hợp với Tam Đảo để phát triển các tour du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh. Tổ chức các lễ hội lớn, như lễ hội Tây Thiên, lễ hội Đền Thánh Mẫu, lễ hội Đền Tính… nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá hình ảnh của tỉnh.

Về phát huy giá trị văn hóa địa phương: Chúng tôi chú trọng khai thác các nét đặc sắc của văn hóa truyền thống thông qua các làng nghề, phong tục, và nghệ thuật dân gian. Các tour du lịch văn hóa sẽ gắn liền với những trải nghiệm thực tế như tham quan làng gốm Hương Canh, làng nghề mộc Thanh Lãng…

Về hỗ trợ cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch: Sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân địa phương tham gia các hoạt động du lịch như cung cấp dịch vụ homestay, bán sản phẩm thủ công truyền thống, hay làm hướng dẫn viên du lịch. Đảm bảo rằng người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch, từ đó tạo động lực để họ cùng chung tay bảo vệ các giá trị di sản.

Về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số: Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục phát triển các nền tảng số, như bản đồ số du lịch và ứng dụng di động, để hỗ trợ du khách tìm hiểu thông tin về các điểm đến văn hóa tâm linh tại Vĩnh Phúc. Sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để tái hiện lại các di tích và lễ hội truyền thống, nhằm thu hút thêm sự quan tâm của giới trẻ”.

“Với những định hướng và kế hoạch cụ thể này, chúng tôi tin rằng du lịch văn hóa tâm linh sẽ không chỉ là thế mạnh mà còn trở thành một thương hiệu đặc trưng của Vĩnh Phúc trong thời gian tới”, Tuệ nhấn mạnh.

Để có được sự hài lòng và khả năng níu chân du khách, những năm qua, Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng tôn tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng nhiều điểm đến về văn hóa tâm linh. Chỉ tính riêng khu danh thắng Tây Thiên, với nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu danh thắng. Từ cổng Tam Quan, Đại Bảo tháp, hệ thống các đền, chùa và các dịch vụ hỗ trợ như cáp treo, xe điện, nhà hàng, hạ tầng giao thông, bãi đậu xe, điện, nước… đã được xây dựng, tu sửa đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách khi về với vùng đất thiêng Tây Thiên.

Vĩnh phúc - Một hành trình, vạn trải nghiệm

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng sẵn có và nâng cao sức hút đối với du khách, ngành du lịch Vĩnh Phúc đặt ra những định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới đó là: Phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ cao cấp, mở rộng hệ thống khách sạn, resort cao cấp, đặc biệt tại khu vực Tam Đảo và hồ Đại Lải; Cải thiện giao thông kết nối từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Phát triển du lịch thông minh qua các nền tảng trực tuyến, số hóa thông tin du lịch; Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc qua mạng xã hội, ứng dụng di động và thực tế ảo. Thúc đẩy liên kết du lịch vùng, hợp tác với các tỉnh lân cận như Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang để xây dựng các tuyến du lịch liên kết. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch mới, kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa.

Không chỉ hút hồn với phong cảnh hữu tình, Tây Thiên bây giờ còn được biết đến như một miền đất địa linh, nơi giao hòa giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc

Không chỉ hút hồn với phong cảnh hữu tình, Tây Thiên bây giờ còn được biết đến như một miền đất địa linh, nơi giao hòa giữa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - huyện Bảo Yên, tỉnh Yên Bái, du khách tham quan Khu danh thắng Tây Thiên cho biết: “gia đình tôi thường dành 2 ngày cuối tuần để đến thăm 3 thiền viện tại Vĩnh Phúc và nghỉ dưỡng tại Đại Lải (Phúc Yên). Cả nhà tôi đều hài lòng với chuyến đi vì giao thông khá thuận tiện, không bị ùn tắc, một số điểm du lịch dù đông nhưng cũng không lộn xộn, an ninh trật tự được đảm bảo”.

Những phản hồi tích cực của nhiều du khách là tín hiệu cho thấy, loại hình du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khởi sắc, ngày càng hấp dẫn du khách. Với lợi thế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng (toàn tỉnh có hơn 1.000 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia), Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Không chỉ đón các du khách tới dâng hương, chiêm bái, các điểm du lịch tâm linh còn góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ khác phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách khi dừng chân tại Vĩnh Phúc.

Có thể nhận thấy rằng, du lịch tâm linh đang ngày càng phát triển, trở thành một loại hình du lịch quan trọng trong ngành công nghiệp không khói của Vĩnh Phúc. Đây là loại hình du lịch đặc biệt luôn có sức hấp dẫn với du khách gần xa, góp phần không nhỏ vào con số 3,7 triệu lượt khách, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng khách quốc tế đạt gần 35.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2025.

Ông Ngô Chí Tuệ - Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết thêm: Du lịch tâm linh tại Vĩnh Phúc đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong ngành du lịch của tỉnh, nhờ những giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc và cảnh quan độc đáo. Nhằm phát triển loại hình này một cách bền vững và đúng hướng, trong năm 2025, Sở VH, TT&DL Vĩnh Phúc đã đề ra những phương án và kế hoạch cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng tôi sẽ tập trung uu tiên các dự án bảo tồn và tôn tạo những di tích trọng điểm như… Đẩy mạnh số hóa các tư liệu, hình ảnh, và thông tin về các di tích, tạo kho tài nguyên mở để quảng bá và phục vụ nghiên cứu, giáo dục.

Khung cảnh bình yên của chùa Tây Thiên

Khung cảnh bình yên của chùa Tây Thiên

Thứ hai, tổ chức các tour du lịch chuyên biệt nhằm kết nối các di tích tâm linh nổi bật của Vĩnh Phúc với các điểm đến du lịch khác trong khu vực như Tam Đảo, hồ Đại Lải, tạo ra các gói sản phẩm hấp dẫn dành cho cả du khách nội địa và quốc tế. Xây dựng các chương trình trải nghiệm, như thiền, yoga, hay các hoạt động tìm hiểu văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa tại các điểm tâm linh.

Thứ ba, tiếp tục duy trì và nâng cấp các lễ hội truyền thống lớn, như lễ hội Tây Thiên, Festival Thu Đại Lải… thành sự kiện mang tầm quốc gia để thu hút du khách. Tổ chức các sự kiện văn hóa tâm linh thường niên như hội thảo chuyên đề, triển lãm ảnh, hoặc các buổi tọa đàm về giá trị văn hóa tâm linh của Vĩnh Phúc.

Thứ tư, tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch, quản lý di tích, và ngoại ngữ cho đội ngũ nhân sự, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách quốc tế. Đào tạo và hỗ trợ cộng đồng địa phương trở thành những "đại sứ du lịch" giúp quảng bá hình ảnh du lịch tâm linh của tỉnh.

Thứ năm, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường di tích, ban hành các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường tại các khu di tích, hạn chế rác thải nhựa, và áp dụng các biện pháp quản lý du khách để tránh quá tải; Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng cũng như du khách về ý thức bảo vệ cảnh quan và môi trường di sản.

Với những kế hoạch này, Sở VH, TT&DL Vĩnh Phúc không chỉ hướng đến việc đưa du lịch tâm linh trở thành thế mạnh chủ đạo của tỉnh mà còn xây dựng thương hiệu văn hóa - du lịch Vĩnh Phúc vươn xa trong nước và quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để du lịch tâm linh phát triển đúng hướng, mang lại những giá trị truyền thống, tinh thần, giá trị văn hóa lịch sử, bên cạnh việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị cảnh quan nơi di sản, Vĩnh Phúc đã và đang tích cực xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích. Du lịch văn hóa tâm linh đang hướng tới sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một trong những loại hình du lịch có thế mạnh của du lịch tỉnh nhà.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đón hơn 11,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 100.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt 4.500 tỷ đồng trong năm 2025.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế, mong rằng, thời gian tới, loại hình du lịch văn hóa tâm linh sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời, quảng bá, lan tỏa truyền thống văn hóa lâu đời, những hình ảnh đẹp về đất và người Vĩnh Phúc đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-tiem-nang-phat-trien-du-lich-van-hoa-tam-linh-a28703.html