Tạo chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh
Hiện nay, hoạt động liên kết trong ngành nông nghiệp khó khăn ở khâu đầu vào, đầu ra. Các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua các khâu trung gian, chưa có sự kết nối, liên kết với nhau. Để đảm bảo liên kết theo chuỗi, nhiều doanh nghiệp đã liên kết 4 nhà, tạo ra vùng quy hoạch tập trung gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến nhằm đảm bảo nguồn cung và chất lượng nguyên liệu.
Năm 2019, bà Phạm Thị Thanh đã gom và chuyển đổi hơn 7ha đất trồng sắn, mía kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh lấy sợi. Chỉ sau 1 năm, bà Thanh thu hoạch được 4 lứa, bình quân đạt 2 tấn sợi/ha/năm. Năm 2021, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, bà tiếp tục mở rộng diện tích thêm 11ha.
Bà PHẠM THỊ THANH - Xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa: “Không phải lo đầu ra đầu vào, không như trồng sắn, rau màu thì bấp bênh lắm vì giá trôi nổi. Làm cây gai này như đất đồi nhà tôi thì làm được 10 năm nên là yên tâm lắm. ”
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước. Đến nay đã hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh hơn 700 ha. Đ ể đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá tiềm năng, lợi thế của loại cây trồng này.
Ông LÊ ĐỨC GIANG - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: “Sản phẩm thô ở Thanh Hóa có giá 47.000/kg. So với thu nhập từ cây trồng khác thì thu nhập từ cây gai xanh cao hơn nhiều. Chính vì vậy Thanh Hóa đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, hỗ trợ giống, chuyển đổi đất và máy để chế biến."
So với một số địa phương phía bắc, cây gai xanh có mặt ở Hòa Bình muộn hơn nhưng bước đầu loại cây này đã phát huy giá trị. Nếu như trước đây, vùng đất này chỉ trồng ngô, thì nay người dân bắt đầu chuyển đổi cơ cấu sang cây gai xanh, diện tích đạt hơn 200ha, từng bước xóa đói giảm nghèo trên vùng đất khó.
Chị NGUYỄN THỊ THU - Xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình: “Ngô thì chúng tôi làm 2-30 năm rồi. Mỗi năm 1 yến giống được 10-15 triệu. Xã bên nói là làm rất tốt, chúng tôi thì mới thu lứa đầu tiên. Nhưng 1 năm thu 3-4 lần, lợi nhuận gấp 3-4 lần ngô.”
Để đảm bảo liên kết bền vững, tỉnh Hòa Bình có 3 hợp tác xã đang là đối tác của An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu. Cây gai trồng trên đất bãi cho năng suất 3,3 đến 3,5 tấn, thu nhập 130 đến 140 triệu đồng/ha, thu nhập cao hơn từ 2,5 đến 4 lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn, mía.
Ông LÊ MINH HƯNG - HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình: “ Hiện nay chúng tôi đang tạo liên kết bền vững với bà con, từ giống, phân bón và máy để bà con sơ chế. Chúng tôi hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo chu kỳ trong vòng 10 năm.”
Ông NGUYỄN HỒNG YẾN - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình: “Nhìn chung canh tác cây gai thì đơn giản hơn so với các cây trồng khác. Chu kỳ từ khi chặt, thu, lứa mới là 40-50 ngày. Trồng cây gai sau 1 năm tôi thấy có mấy lợi ích , thứ nhất cải tạo đất, thứ 2 là ngoài lứa đầu phải làm cỏ thì sau trong ruộng gai không có cỏ nữa, nó giảm công lao động và chi phí sản xuất cũng như là môi trường vì không phải dùng thuốc trừ cỏ canh tác trên đất dốc.”
Để đảm bảo tính liên kết trong tiêu thụ sản phẩm gai xanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước – Viramie, mục tiêu là xây dựng nhà máy kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai nhằm cung cấp các sản phẩm sợi, dệt cho ngành dệt may.
Ông TRẦN VĂN TUẤN - Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước – Viramie:
“Chúng tôi có chủ trương rất rõ ràng là có 1 hợp đồng nguyên tắc bao tiêu sản phẩm; trước đó có hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật với bà con. Cho nên khi bà con thấy rằng chúng tôi có nhà máy chế biến tại đây thì bà con rất yên tâm trong quy hoạch chuyển đổi cây trồng.”
Hiện nay, Tập đoàn An Phước -Viramie đã phối hợp với các nhà nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo thành công giống gai xanh AP1 phục vụ cho vùng nguyên liệu và được Cục trồng chọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng cho giống này.
Thực hiện : Phạm Cường Như Huỳnh