Tạo cơ chế để chủ động hơn về biên chế

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, chiều nay, 28.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội trên một số lĩnh vực, tạo cơ chế vượt trội để Thủ đô phát triển xứng tầm.

Quyết định biên chế nhưng bảo đảm phù hợp với quy định tinh giản

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều). Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu khi thảo luận về dự thảo Luật này đó là nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội, trong đó có quy định về quyết định số lượng biên chế.

Nguồn: Báo Hà nội mới

Nguồn: Báo Hà nội mới

Hiện nay, việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị, theo đó, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị, quyết định cụ thể biên chế theo nhiệm kỳ 5 năm của các cơ quan, tổ chức, địa phương. Chủ trương, yêu cầu về quản lý biên chế trong giai đoạn hiện nay vẫn là “không tăng biên chế cán bộ, công chức và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”; “chấm dứt việc giao biên chế không đúng thẩm quyền, tự giao biên chế vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định”.

Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 109/2023/QH15 về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư về giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó Nghị quyết nêu rõ: “tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay việc giao biên chế chưa thực sự hợp lý vì chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết về biên chế của thành phố Hà Nội. Tổng số biên chế hành chính được giao năm 2021 là 9.014 người, giảm so với biên chế được giao năm 2015 là 1.673 biên chế. Biên chế viên chức được giao năm 2021 là: 116.007 biên chế, giảm so với năm 2015 là 12.890 biên chế. Trong khi đó, giai đoạn từ 2015 - 2021, số công chức nghỉ hưu là 1.291 người, số viên chức nghỉ hưu là 12.590 người; đến tháng 6.2021, số người nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế là 1.441 trường hợp. Biên chế giảm nhưng số lượng công việc không giảm mà còn có xu hướng gia tăng dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ đối với công chức, viên chức của thành phố Hà Nội rất lớn, đặc biệt đối với công chức.

Tính theo số dân/biên chế công chức trung bình tại 63 tỉnh, thành phố hiện nay (tính đến tháng 6.2021) là: 96.460.000 người dân/140.508 công chức, bằng 686 người dân/1 công chức. Trong khi, Hà Nội là: 8.053.663 người dân/7.927 công chức, bằng 1.016 người dân/1 công chức. Đối với một số lĩnh vực như giáo dục và y tế, việc bố trí nguồn lực gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học tại địa phương, nhu cầu học tập tăng, trong khi biên chế viên chức giáo dục giảm; áp lực từ cử tri, xã hội lên hệ thống giáo dục là rất lớn. Từ năm 2015 đến nay, Hà Nội không được tăng biên chế viên chức, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí giáo viên, cán bộ y tế theo tốc độ tăng dân số ngày một cao.

Để giải quyết khó khăn này, cũng như tạo điều kiện để Hà Nội phát triển, đòi hỏi sửa Luật Thủ đô lần này cần tạo cơ chế để TP. Hà Nội chủ động trong quyết định biên chế. Tuy nhiên, việc quyết định biên chế của HĐND thành phố cần được tính toán cẩn trọng để bảo đảm phù hợp với chủ trương, quy định về tinh giản biên chế, đáp ứng yêu cầu công việc.

Tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Thủ đô phát triển

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ Bảy đã được chỉnh lý theo hướng giao HĐND thành phố xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc có cơ chế để thành phố được chủ động hơn về biên chế là cần thiết để bảo đảm khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đáp ứng đặc điểm, nhu cầu thực tiễn của địa phương có diện tích rộng, quy mô dân số đông và tốc độ gia tăng dân số nhanh.

Trước đó, khi thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, vấn đề biên chế nên đặt trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hợp lý với yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản trị Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới trên nền tảng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quản trị Thủ đô.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND thành phố chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền thành phố. Quy định như vậy sẽ giúp thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.

Mục đích của việc sửa đổi Luật Thủ đô nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Do đó, việc giao HĐND thành phố được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý như dự thảo Luật là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, của Thủ đô Hà Nội.

Theo chương trình, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 27.6 tới. Mong rằng, các cơ chế chính sách vượt trội, đặc thù sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận thấu đáo, nhận được sự đồng thuận cao nhất. Có như vậy, khi luật được thông qua sẽ tạo cú huých lớn để Thủ đô phát triển xứng đáng với vai trò “Trái tim của cả nước”.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/tao-co-che-de-chu-dong-hon-ve-bien-che-i373038/