Tạo cơ chế đột phá thu hút nhân tài, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới: Cảo thơm lần giở trước đèn...
Một trong bảy định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề xướng, có định hướng thứ sáu là 'cán bộ', với mục tiêu phải 'xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới'. Nhưng bàng bạc của cả bảy định hướng đều là câu chuyện về con người, nhất là việc tạo 'cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước', việc sử dụng người tài cho sự nghiệp lớn lao của dân tộc.
Nếu như ở các lĩnh vực khoa học - công nghệ, Việt Nam rất cần phải học tập, tìm hiểu kinh nghiệm tại nhiều nước phát triển, thì chuyện tìm kiếm, sử dụng người tài, chiêu hiền đãi sĩ lại chẳng cần đi đâu xa, bởi chúng ta có cả một kho tàng kinh nghiệm của cha ông...
Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Cha ông ta xưa có nhiều cách để gọi người tài giỏi: nhân tài, thiên tài, hiền tài, hiền thần, hiền năng, hiền sĩ, lương thần... Bản thân chữ Hiền được dùng để chỉ người rất tài giỏi, có khả năng và đức độ. Chữ Sĩ, vừa để chỉ người học trò, người đã ra làm quan và nghĩa chung nhất là người có học. Từ đó, những người có tài, có đức được gọi là hiền nhân, hiền sĩ, hiền tài. Người cực giỏi, thông suốt cả lẽ trời là hiền triết. Đối với người xưa, dĩ nhiên là tầng lớp cầm quyền (vua, chúa), chiêu hiền đãi sĩ là một phương sách dùng người quen thuộc. Minh quân hay hôn quân, thiên tài hay bất tài, chỉ nhìn cách họ đối xử, sử dụng kẻ sĩ là có thể biết. Thời Hán - Sở tranh hùng (Trung Quốc), khi Hàn Tín theo phò, Hạng Vũ chỉ cho ông giữ chức Chấp kích lang, chỉ làm mỗi một việc là vác kích đứng hầu các tướng. Hàn Tín bỏ sang theo phò Lưu Bang, được tôn làm Nguyên soái, đánh đâu thắng đấy, từ đó họ Lưu diệt được Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ở ta, nhờ sử dụng một anh học trò là Nguyễn Trãi làm quân sư, viết hàng chục lá thư dụ hàng tướng giặc Minh mà Lê Lợi không phải tốn một mũi tên, người lính vẫn lấy được đồn Xương Giang, Tam Giang và cả thành Đông Quan. Còn trước đó, vua Lý Huệ Tông (1211-1225) nông nổi đem giao việc nước cho Đàm Sĩ Mông, một kẻ không có học thức, không mưu thuật, tính tình lại nhu nhược nên nhà Lý chính sự đổ nát, dần hồi mất cả ngai vàng.
Tư tưởng trọng dụng hiền tài được cha ông ta ý thức từ rất sớm, thể hiện rõ ở tất cả các bậc minh quân, là thiên tử, nhưng cũng là anh hùng dân tộc. Năm 1228, mới lên làm vua (thay nhà Lý) chưa đầy 2 năm, Trần Thái Tông đã quy định: Người giàu có, khỏe mạnh và không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính. Vua Lê Thái Tông mới lên làm vua (thay Lê Thái Tổ) cũng đã răn dạy thái tử: Mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân. Tư tưởng trọng hiền tài của dân tộc được đúc kết ở bài Ký đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) niên hiệu Đại Bảo thứ 3, do tiến sĩ Thân Nhân Trung phụng chỉ vua Lê Thánh Tông viết vào năm 1487: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Bởi vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì thế, cái ý tôn trọng họ thật vô cùng, nên đã ban ân sủng bằng khoa danh, lại gia thêm bằng tước trật, ơn ban đã lớn vẫn còn cho là chưa đủ...
Những lời trên đã được chép vào bia đá để ở Văn miếu - Quốc Tử Giám. Trên 500 năm qua, bia đá ấy chưa mòn. Và, dẫu bia đá ấy có mòn, thì tư tưởng ngời sáng kia vẫn không phai!
Một phương sách dùng người
Xác định hiền tài là vốn quý của dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, cha ông ta quan niệm: Hào kiệt đời nào cũng có (Bình Ngô đại cáo). Vả lại, Nhân tài do địa khí mà nên, địa khí có nhân tài mới phát lộ (Ô Châu cận lục), tức đất nước sản sinh ra để gánh vác nghiệp lớn. Vì thế, điều quan trọng nhất đối với người cầm quyền là cách nhìn và sự đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng nhân tài.
Thông thường, phương sách chiêu hiền đãi sĩ được các bậc vua sáng của chúng ta làm rất bài bản, bằng nhiều cách.
Tổ chức thi cử là cách tuyển chọn nhân tài phổ biến nhất thời phong kiến. Từ năm 1075, đời vua Lý Nhân Tông, đã mở khoa thi Tam trường để chọn người minh kinh bác học bổ làm quan. Đến đời Trần, việc thi cử càng lúc càng chặt chẽ. Sang đời Lê, đặc biệt dưới thời ông vua hay chữ Lê Thánh Tông, việc thi cử không chỉ nghiêm túc mà người đỗ đạt được tôn vinh hết mực. Ở kỳ thi Đình (chọn tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), đích thân vua ra đề và chấm thi. Người đỗ tiến sĩ trở lên được ban áo mão, được khắc tên vào bia đá ở văn miếu. Vì khoa cử là con đường chính yếu để tuyển chọn nhân tài nên ở những thời điểm quan trọng của lịch sử, các bậc vua, chúa càng hết sức chú trọng và không quên gắn với việc học tập, đào tạo. Đầu năm 1077, nhà Lý tổ chức kháng chiến chống quân Tống thắng lợi (do Lý Thường Kiệt chỉ huy) thì ngay tháng 2 năm đó, đã mở khoa thi viên lại bằng phép chữ, phép tính và hình luật. Vừa trở về Phú Xuân sau chiến thắng 29 vạn quân Thanh ở đất Bắc, vua Quang Trung đã ban chiếu cho khắc những bộ sách quý để lưu hành trong nhân dân. Cũng trong năm ấy, nhà vua còn ban chiếu Lập học, cho phép mở trường đến tận xã, nơi nào thiếu được lấy cả đình, chùa, phủ và mở khoa thi Hương đầu tiên của triều đại Tây Sơn.
Ban chiếu, chỉ, dụ cầu hiền, cho phép tiến cử và tự tiến cử cũng là cách phổ biến của phương sách chiêu hiền đãi sĩ ngày xưa. Năm Đinh Tỵ 1227, khi nghĩa quân đang vây hãm thành Đông Quan, chiến thắng trong tầm tay, nhưng Lê Lợi vẫn ban Chiếu khuyên dụ hào kiệt. Trong chiếu có đoạn viết: Hiện nay, các thành đã phá, duy còn thành Đông Quan chưa hạ. Vì thế, ta nằm không yên, sớm hôm lo lắng... Vả lại, ta chưa có được người tài. Ta tuy làm chủ tướng nhưng một thì già yếu bất tài, hai là vì học ít biết nông... Vì thế, ta nhóm tỏ lòng thành thực, khuyên các bậc hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu độ muôn dân, đừng có kén tiếng giấu tài, khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi. Vừa chiến thắng giặc Minh, Lê Lợi lại ra Chiếu cầu hiền tài (năm 1429). Còn với vua Quang Trung, người hiền ở trên đời cũng như sao sáng ở trên trời (Chiếu cầu hiền). Nhà vua ra lệnh cho quan lại và dân chúng ai biết người tài thì phải mạnh dạn tiến cử. Người tài nếu có kế hay thì được đặc cách bổ dụng, nhưng có lời không hợp với vua thì vẫn để ấy, chứ không bắt tội vu khoát. Quả là một tư tưởng hết sức cởi mở. Phải chăng vì có tư tưởng thực sự cầu hiền và biết cách chiêu hiền đãi sĩ mà các bậc minh quân như: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung... đã quy tụ hầu hết các bậc hiền tài ra giúp nước và lịch sử dân tộc đã có những triều đại thật huy hoàng?
Cầu hiền tuy quan trọng nhưng mới chỉ là khâu đầu tiên của cả một phương sách dùng người. Quan trọng hơn là việc biết sử dụng hiền tài đúng mực để tài năng của họ được phát huy và đức độ càng sáng tỏ. Chế độ khoa cử thời phong kiến càng nghiêm ngặt thì việc bổ nhiệm quan lại càng quy củ. Thông thường, những ai đỗ cử nhân (thi Hương) được bổ làm quan tri phủ, tri huyện; đỗ tiến sĩ trở lên được giữ lại trong triều, ban đầu làm thị lang, nhưng sau có thể lên đến tể tướng. Bậc tam khôi học rộng, tài cao, hoặc giữ các chức vụ cao cấp, hoặc làm ngoại giao, giúp vua đào tạo nhân tài. Điều lạ là, đối với bậc hiền tài ngày trước, các vị vua không có phân biệt: xuất thân sang - hèn, nhỏ tuổi - lớn tuổi... Đoàn Nhữ Hài (1280-1336) lúc gặp Thượng hoàng Trần Nhân Tông mới chỉ là học trò, nhưng nhờ giúp vua Trần Anh Tông làm tờ biểu tạ tội xuất sắc được phong làm Ngự sử Trung tán, sau giữ chức Tri khu mật sứ, một vị trí mà trước đó chỉ có người trong tôn thất nắm giữ. Hay Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích khi về với Tây Sơn đều từng là bậc đại khoa, đại quan của Đàng Ngoài, đang có người thân chống lại Nam triều, nhưng vua Quang Trung biết tài và rất trọng dụng. Hoặc nhiều trạng nguyên, bảng nhãn lúc đăng khoa mới 13-14 tuổi vào triều vẫn sánh ngang hàng, thậm chí cao hơn những người đỗ tiến sĩ 40-50 tuổi. Nhìn về hình thức, chúng ta thấy dường như đấy là biệt lệ, có vẻ ngẫu hứng, song thật ra đáng khâm phục chính là đôi mắt tinh đời của các bậc thánh đế, nó xuất phát từ một chiến lược con người đáng để đời sau học tập. Dĩ nhiên, lịch sử không có cái gì là hoàn hảo tuyệt đối. Phương sách dùng người của cha ông cũng vậy và nhất là nó là con đẻ của một thời đã qua.
Bài học của Bác Hồ đối với trí thức và nhân tài
Có nhiều danh xưng để nói về Bác Hồ. Nhưng chắc không sai khi nói Bác là một hiền nhân. Vì là hiền nhân nên Bác hiểu sâu sắc chiếc phong vũ biểu (trí thức) của thời đại mình. Người trọng dụng trí thức và hết thảy các bậc nhân sĩ chân chính, nổi tiếng nhất đương thời, đã quyết từ bỏ giàu sang, phú quý, cuộc sống yên bề gia thất, băng rừng lội suối theo Người đi kháng chiến, kiến quốc. Ngày 28-8-1947, khi trả lời Báo Độc Lập về việc Chính phủ mở rộng, Bác Hồ nói: Đối với các vị quan lại cũ, cũng như đối với các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh vác việc nước. Thí dụ: Ngoài cụ Đặng Văn Hưởng ra, còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thụy, cựu Tổng đốc; cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần; cụ Phó bảng Bùi Kỷ..., đều rất tận tụy giúp việc kháng chiến.
Điều kỳ diệu là Bác Hồ sớm nhìn thấy những hẹp hòi, phân biệt đối xử với trí thức, người tài ngay trong đội ngũ cán bộ. Bác cảnh báo, đấy là một thành kiến không đúng khiến người ta tưởng Đảng và Chính phủ không trọng trí thức. Người nhắc nhở: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Bác còn lo xa bệnh đố kỵ, ghen ghét của cán bộ đối với người tài nên căn dặn đối xử với họ phải như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu, phải giúp cho trí thức chính tâm và thân dân, tức là có lòng ngay thẳng, trung thực và gần dân, thương dân. Khi giúp trí thức, phải theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó.
Tiêu chuẩn đánh giá của Bác Hồ đối với trí thức, đặc biệt là nhân tài, bao giờ cũng là sự gánh vác việc nước; trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Với trí thức ở từng nghề, từng lĩnh vực, Người đều có cái nhìn trân trọng, hiểu đúng vị trí của họ. Chẳng hạn, với nghề thầy giáo, Bác nói: Có gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh... Bác Hồ nêu quan điểm chung của Đảng và Nhà nước: Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức; Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi.
Chuẩn bị hành trang để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tất phải lo toan biết bao điều. Việc đọc lại, nghiền ngẫm và học tập về cách chiêu hiền đãi sĩ, đối xử với trí thức của cha ông xưa và của Bác Hồ, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) hẳn sẽ bổ ích!