Tạo cơ chế đủ mạnh, đột phá để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ĐBSCL
Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL thu hút 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tăng 15% so với năm 2022. Dù tăng khá, nhưng quy mô vốn và cơ cấu lĩnh vực đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.
Đôi bên phải “cùng thắng”
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì mới đây tại Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, để thu hút nhà đầu tư, bên cạnh "trải thảm đỏ" bằng các ưu đãi như áp dụng giảm thuế của TP. Cần Thơ hay hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường và nguồn nguyên liệu chế biến đạt chất lượng cao... ngành chức năng cần sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, có thể ban hành một số chính sách như bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào, hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường hay hỗ trợ phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.
Theo ông Hè, phát triển nông nghiệp bền vững luôn cần có cơ chế, chính sách phù hợp và ổn định. Chính vì vậy, giải pháp hiệu quả là kết hợp được giữa cơ chế, chính sách của Trung ương vận hành vào từng địa phương và từng địa phương có những cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hiệu quả.
Để làm được thì giữa các địa phương cần có cơ chế trao đổi thông tin. Khi có thông tin, hiểu được nhu cầu của nhà đầu tư, chủ thể tham gia sản xuất, lúc đó có thể đưa ra được những chính sách “Win-Win” (đôi bên cùng có lợi) thì sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp sẽ hiệu quả, bởi đầu tư nông nghiệp rủi ro cao, khó thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, nên rất cần có cơ chế đặc thù đủ mạnh để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược đến hợp tác vào nông nghiệp - nông thôn Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Ông David John Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin cho rằng, cơ sở hạ tầng thông suốt nhằm giảm thời gian, chi phí logistics là điều mang tính tiên quyết để hút đầu tư vào miền Tây. Tuy nhiên, điều này lại là điểm nghẽn lớn của ĐBSCL. Thêm điểm trừ cho ĐBSCL nữa là thủ tục hành chính, tuy có nhiều thay đổi, nhưng quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số giấy phép khác vẫn chậm, cần chấn chỉnh tình trạng quan lưu trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp.
Thủ tục, thời gian đầu tư đang làm nản lòng nhà đầu tư
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết, để đầu tư vào chăn nuôi, doanh nghiệp phải khảo sát, từ tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi phát triển, đến thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất để chuyển dịch quyền sử dụng đất, làm thủ tục đầu tư, xây dựng... Mỗi công đoạn đều phải qua nhiều cơ quan chức năng và mất nhiều thời gian, công sức và chi phí doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Ðề, để tạo điều kiện thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ ngành Trung ương và địa phương cần ban hành công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù, có tính chất dài hơi, nhằm thu hút mạnh đầu tư xanh trong nông nghiệp, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp với bảo vệ môi trường.
Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè thông tin, nhằm tạo tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư thực sự hiệu quả, Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách như: Nghị định số 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đó là xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm với mục tiêu “một điểm đến đa dịch vụ”. Khi đầu tư vào dự án tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, doanh nghiệp sẽ được hưởng những chính sách, ưu đãi theo quy định.
Trung tâm sẽ thu hút các dự án đầu tư chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến đối với sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin, là nơi để tập trung bảo quản chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL có lợi thế; hệ thống hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng giao thông (đường biển, đường bộ, đường hàng không) là nơi kỳ vọng sản phẩm nông sản của ĐBSCL được vươn nhanh hơn, xa hơn.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ÐBSCL, Bộ đang hướng đến đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng đến nền kinh tế xanh và kinh tế số.
Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng nghị định về cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp và triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL", xây dựng đề án về logistics nông sản và đề án về kinh tế trang trại... Qua đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản theo hướng xanh, phát thải thấp gắn đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ và công nghệ số để chuyển đổi mạnh từ sản lượng sang giá trị, từ tu duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Cần có chính sách, nguồn lực đủ mạnh để tạo đột phá thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL
Theo định hướng Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ chính trị, tầm nhìn đến 2045, ĐBSCL là vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa, có trình độ phát triển khá so với cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa và con người Nam bộ; chất lượng cuộc sống của người dân, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng các dân tộc được giữ gìn…
Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa tại các Nghị quyết: 26/NQ-TW, 19-NQ/TW.
Thời gian qua nhiều cơ chế chính sách được ban hành nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hệ thống cơ chế, chính sách vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ cấu lại nền nông nghiệp đạt tiến bộ trên 3 mục tiêu cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường, kết hợp với xây dựng quy hoạch phát triển của từng địa phương trong vùng trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang được các tỉnh ĐBSCL khẩn trương hoàn chỉnh trình Thủ tướng phê duyệt nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững cho phát triển ĐBSCL trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL xứng với tiềm năng và lợi thế, vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước và duy trì tăng trưởng kinh tế hàng năm, cần có chính sách đủ mạnh, tập trung nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu của vùng để tạo được bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm trong vùng để làm động lực liên kết và tăng trưởng.
Do vậy định hướng khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn của vùng cần tập trung vào các ngành, nghề ưu đãi đầu tư hay đặc biệt ưu đãi đầu tư, các ngành nghề có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, hoặc ngành nghề có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn mà nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường có điều kiện kết hợp hiệu quả với chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Đồng quan điểm trên, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, đột phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông đồng bộ, hiện đại, thông minh, thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị công nghiệp từ cần Thơ đến Long An, hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Hậu, hành lang kinh tế ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang, hành lang kinh tế biên giới từ Long An đến kiên Giang, nhất là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP)…
Bộ NNPTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án logistics nông sản, trong đó tập trung vào 3 trung tâm lớn: một là trung tâm logistics ở ngay vùng nguyên liệu để đảm bảo được kho chứa hàng, kho chứa nguyên liệu; trung tâm thứ hai là ở các thành phố lớn để vừa có chức năng chế biến sâu, vừa đảm bảo xuất khẩu; ba là mô hình ở các cửa khẩu với các trung tâm dịch vụ logistics, chủ yếu là trữ hàng để xuất sang các nước, giảm giá thành rất lớn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, phát triển các cụm cảng hàng hóa, cụm cảng hành khách và hệ thống cảng chuyên dùng đường thủy nội địa. Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt, cửa ngõ vùng, phát triển cảng Hòn Khoai thành cảng tổng hợp, nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề. Nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư 2 cảng hàng không Rạch Giá và Cà Mau. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.