Tạo công ăn việc làm để bà con Nam Trà My - Quảng Nam giảm nghèo

Để giúp bà con đồng bào thoát nghèo, dần từng bước ổn định cuộc sống, Hội LHPN huyện Nam Trà My (Quảng Nam) hỗ trợ nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Khai giảng 2 lớp tập huấn sản xuất hàng mây tre đan và đan chổi đót cho 70 hội viên.

Khai giảng 2 lớp tập huấn sản xuất hàng mây tre đan và đan chổi đót cho 70 hội viên.

“Trao cần câu cơm” cho người dân Trà Don

Xã Trà Don thuộc huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đây là một trong những xã khó khăn của huyện. Để giúp người dân dần thoát nghèo, nhiều năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Trà Don và Hội LHPN huyện Nam Trà My đã bắt đầu tìm công ăn việc làm, tạo kế sinh nhai cho người dân nơi đây.

Cụ thể là đầu năm 2023, Hội LHPN xã Trà Don cùng với Hội LHPN huyện Nam Trà My tổ chức khai giảng 2 lớp tập huấn sản xuất hàng mây tre đan và đan chổi đót cho 70 hội viên. Đây chính là những chiếc “cần câu cơm” cho bà con nông dân.

Điển hình nhất là phối hợp với xã Trà Don xây dựng mô hình nuôi dê sinh sản, thu hút được 20 người dân tham gia với hàng chục con dê đang lớn. Bên cạnh đó, Hội đã hỗ trợ tiền xây chuồng heo, từ đó hàng chục phụ nữ trong xã bắt đầu được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo và tặng heo giống để bắt đầu nuôi.

Đàn heo mà Hội phụ nữ xã Trà Don hỗ trợ cho phụ nữ trong thôn nuôi để từng bước thoát nghèo.

Đàn heo mà Hội phụ nữ xã Trà Don hỗ trợ cho phụ nữ trong thôn nuôi để từng bước thoát nghèo.

Bà Trần Thị Cúc – Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Don cho hay, Hội đã triển khai và chỉ đạo các chi hội có hộ được UBND xã dự kiến thoát nghèo có kế hoạch cụ thể để giúp đỡ hộ thoát nghèo năm 2024. Trong đó, hộ nghèo 2023 là 146 hộ và cận nghèo 118 hộ, dự kiến của xã là 70 hộ đạt 40%. Trong đó, Hội nhận giúp 2 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo theo chỉ tiêu huyện Hội giao và UBND xã phân công giúp thêm 5 hộ tổng cộng là 7 hộ Hội đã tổ chức hướng dẫn cho các hộ cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, chỉ đạo các tổ trưởng làm hồ sơ cho các hộ có nguyện vọng vay vốn.

“Trong thời gian qua Hội đã tập trung vận động hội viên phụ nữ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững nhiều chị em tham gia đăng ký. Qua đó, giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Đây cũng chính là mô hình là một trong những mô hình nhằm thực hiện phương châm hướng mạnh về hoạt động cơ sở, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, qua đó nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả hoạt động của các chi Hội phụ nữ trên địa bàn xã, tạo động lực cho phong trào phụ nữ xã nhà hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Cúc chia sẻ.

Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả mà Hội LHPN huyện xã Trà Don cũng như Hội LHPN huyện Nam Trà My tổ chức nhằm mang lại kế sinh nhai, dần giúp người dân thoát nghèo trong thời gian qua.

Nhiều chính sách hỗ trợ giúp ổn định đời sống xã hội

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, bà Lê Thị Thúy – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho hay, công tác giảm nghèo được Hội LHPN triển khai thực hiện gắn với Nghị quyết của Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Hội LHPN đã nhận giúp 63 hộ đăng ký thoát nghèo có địa chỉ cụ thể, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân, đề ra các biện pháp giúp đỡ phù hợp, đồng thời vận động các hộ tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, tham gia các loại hình liên kết nhóm thực hiện mô hình giảm nghèo; tranh thủ nguồn lực trao 10 con dê giống, 5.000 cây quế giống, công lao động… với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Gặp mặt người dân đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út.

Gặp mặt người dân đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út.

Đồng thời, phối hợp mở 22 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, đào tạo nghề cho hơn 1.022 lao động giải quyết việc làm tại chỗ; tổ chức 3 chuyến thăm quan học tập mô hình kinh tế cho 200 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, chia sẻ cũng như truyền cảm hứng thúc đẩy khởi nghiệp.

Ngoài ra, chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, đầu nhiệm kỳ Hội LHPN huyện thực hiện thành công dự án Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung tại xã Trà Nam với tổng kinh phí 726 triệu đồng.

“Bằng nhiều hình thức giúp khác nhau, cấp Hội cùng với toàn huyện đến cuối năm 2023 giảm 1.366 hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, đạt tỷ lệ 18,40%”, bà Thúy thông tin.

Theo bà Thúy, Hội LHPN cũng đề xuất UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” trên địa bàn huyện, đồng thời phê duyệt nguồn kinh phí 266 triệu đồng hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư cho phụ nữ…

Bên cạnh đó, hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp phụ nữ. Đến nay, nguồn vốn qua kênh Hội LHPN quản lý là 81,3 triệu đồng, có 1.586 hộ vay thuộc 35 tổ. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ có nguồn vốn, tạo sức bật vươn lên trong phát triển kinh tế.

Ra mắt mô hình Hũ gạo tình thương giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Ra mắt mô hình Hũ gạo tình thương giúp đỡ phụ nữ nghèo.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thông qua phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm tại huyện, các phiên giao dịch việc làm tại xã cho 1.800 lao động, hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ cho 738 lao động nữ làm việc tại các doanh nghiệp; có 240 lao động được đào tạo nghề sơ cấp, nghề dưới 3 tháng. Mở 16 lớp đào tạo nghề như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, làm chổi đót, mây tre đan... cho 560 hội viên phụ nữ, với tổng kinh phí 844 triệu đồng.

Hướng dẫn người dân làm nghề dệt thổ cẩm để tạo công ăn việc làm, dần từng bước thoát nghèo.

Hướng dẫn người dân làm nghề dệt thổ cẩm để tạo công ăn việc làm, dần từng bước thoát nghèo.

“Hiện nay, chị em đã biết áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi nâng cao năng suất lao động, tự làm ra sản phẩm để sử dụng trong gia đình hoặc kinh doanh buôn bán mang lại thu nhập.

Thực hiện Quyết định của UBND huyện Hội tham gia đoàn công tác tại Hàn Quốc, chứng kiến việc ký kết hợp đồng lao động giữa huyện Nam Trà My và Quận Hamyang. Theo đó phối hợp với các ngành làm tốt công tác tuyên truyền những nội dung mà người dân quan tâm tình hình làm việc tại nước bạn, nơi ăn ở, làm việc, các ngành nghề tuyển dụng…; chính nhờ công tác phối hợp đồng bộ có 33 lượt lao động nữ làm việc tại Hàn Quốc, hiện nay toàn huyện có 169 nữ/250 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài mang lại thu nhập ổn định. Cụ thể thu nhập trong tháng tại Nhật Bản từ 32-37 triệu đồng; Nga thu nhập từ 22-27 triệu đồng; Hàn Quốc thu nhập 32 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương”, bà Thúy chia sẻ thêm.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-cong-an-viec-lam-de-ba-con-nam-tra-my-quang-nam-giam-ngheo-post688051.html