Tạo đà bứt phá giai đoạn mới

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, định hướng rõ nét của tỉnh với những mục tiêu cụ thể, chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh 'Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân' đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đây là tiền đề, động lực mới của tỉnh trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân; tạo đà phát triển bứt phá bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm nay và những năm tiếp theo.

Thu hút mạnh dòng vốn FDI

Tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo. Vượt lên những khó khăn, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn giữ vững sự ổn định, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động; tăng cường sự đoàn kết, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và chủ đề công tác năm một cách linh hoạt, bám sát thực tiễn gắn với thực hiện nghiêm túc các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của trung ương và của tỉnh.

Bám sát chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư”, tỉnh đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế 2 con số. Trong đó xác định rõ mục tiêu tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư FDI đạt trên 1 tỷ USD (tương đương 24.000 tỷ VND) vào khu vực các KCN, KKT... Quan điểm của tỉnh ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực. Đồng thời định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư "xanh", công nghệ cao, công nghệ phụ trợ... bám sát định hướng không gian phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar V, tháng 10-2023.

Lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar V, tháng 10-2023.

Đặc biệt, tỉnh liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo cùng các kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu chủ đề công tác năm, trong đó gắn trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong triển khai, bằng những cách làm bài bản, khoa học thông qua việc chủ động lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi, xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC tạo thuận tiện cho nhà đầu tư trong công tác tìm hiểu đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu từ vào địa bàn; xây dựng văn hóa công sở và hình ảnh thân thiện trong đội ngũ CBCCVC….

Năm 2023 được đánh giá là năm thành công nhất của tỉnh trong thu hút đầu tư, ước đạt khoảng 5 tỷ USD; trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục về thu hút vốn đầu tư của Quảng Ninh từ trước tới nay. Phần lớn các dự án đầu tư mới có vốn lớn là từ các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đây thêm khẳng định những nỗ lực của tỉnh trong xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, tạo dựng niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Nhà thầu thảm nhựa mặt cầu Cửa Lục 3. Ảnh: Đỗ Phương

Không chỉ thu hút hiệu quả FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc; Quảng Ninh lần đầu tiên đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, đó là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) với tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm. Qua đó góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh lên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để tạo thế vượt trội, “trải thảm đỏ” dẫn dắt nhà đầu tư vào địa bàn, những năm qua tỉnh đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng bằng việc huy động nhiều nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Năm 2023 kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, Quảng Ninh đã khánh thành nhiều dự án quan trọng: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; CDC Quảng Ninh; Trường THPT Bình Liêu; Trường THPT Cẩm Phả; Trường THCS&THPT Quảng La vào dịp năm học mới... Tỉnh đang chạy “nước rút” đẩy nhanh xây dựng: Cầu Cửa Lục 3, Đường tỉnh 342 từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (tại thôn Trại Me, xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long); đường dẫn cầu Bến Rừng... Các dự án hoàn thành ngày càng tăng tính liên kết vùng, khu vực, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và các vùng lân cận.

Sản xuất sản phẩm công nghiệp dệt may của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên Hợp Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà. Ảnh: Mạnh Trường

Kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư vào địa bàn năm 2023 là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tạo những thành tựu nổi bật. Quảng Ninh hoàn thành và vượt 12/12 chỉ tiêu. Theo số liệu công bố ngày 27-11 của Cục Thống kê tỉnh, GRDP năm 2023 của Quảng Ninh ước tăng 11,03%. Với kết quả này, Quảng Ninh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Hồng, đứng thứ ba toàn quốc, lập kỳ tích 9 năm liền (2015-2023) tăng trưởng 2 con số. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Quảng Ninh trong 60 năm qua, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới.

Để người dân được ấm no, bình yên, hạnh phúc

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng.

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng.

Tỉnh xác định “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” là mục tiêu lâu dài, xuyên suốt, bao trùm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, nhằm giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo công bằng xã hội; hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.

Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị bám sát chủ đề công tác năm, từ đó cụ thể hóa tại địa phương, đơn vị mình bằng những cách làm thiết thực. Phát huy những thành quả đạt được, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17-5-2021) của Tỉnh ủy và các nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa ban tỉnh giai đoạn 2023-2025 cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của trung ương...

Nhân dân khu phố 6 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Nhân dân khu phố 6 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023.

Đặc biệt, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30-10 (1963-2023), toàn tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhất là chăm lo phát triển giáo dục đào tạo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, củng cố và phát triển hệ thống y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Tỉnh đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, gắn biển 12 công trình cấp tỉnh, 24 công trình các địa phương chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Đặc biệt hơn, năm 2023 chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát khi phát động đã nhận sự hưởng ứng tích cực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia hỗ trợ nhà ở cho 441 hộ (đạt 100%), tổng số tiền huy động 32,96 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động ngành Than, KCN; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh. Mục tiêu phấn đấu khởi công, xây dựng khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tương ứng 24.400 căn nhà: 10.500 căn nhà ở công nhân KCN; 4.300 căn nhà ở công nhân ngành Than có thu nhập trung bình, 9.600 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp).

Tỉnh quy hoạch trên 600ha quỹ đất (20% trong các dự án nhà ở thương mại) để làm nhà ở xã hội, 55ha đất nhà ở cho công nhân gắn liền với KCN. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh khởi công 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 2.327 căn hộ. Tỉnh đang triển khai các thủ tục chấp nhận đầu tư đối với 6 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, công nhân ngành Than: Khu nhà ở xã hội tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà (khoảng 1.000 căn hộ); Khu nhà ở xã hội thuộc khu đô thị tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, TP Hạ Long (khoảng 950 căn hộ); 4 dự án nhà ở công nhân ngành Than (khoảng 420 căn hộ)… Các dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở gắn với mục tiêu "vì hạnh phúc người dân".

Năm 2023 tổng chi an sinh xã hội của tỉnh ước thực hiện 1.437 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng so với năm 2022. Toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của trung ương; theo chuẩn nghèo của tỉnh ước còn 361 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Năm 2023 tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 21.000 người, tăng 5% kế hoạch cả năm.

Song song với đó, Quảng Ninh tập trung hoàn thành Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh đến năm 2025, đảm bảo mục tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%. Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Ước hết năm 2023 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,22%; bao phủ BHYT đạt 95,3%...

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tỉnh định hình rõ những giá trị cốt lõi, riêng có, giàu bản sắc văn hóa của địa phương với đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Năm 2023 tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020-2025; đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo được cải thiện, nâng lên. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 9.400 USD, gấp đôi bình quân cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc.

Những thành tựu thực hiện chủ đề công tác năm 2023 tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tiếp theo. Ngày 22-11-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với chủ đề năm là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Tin tưởng với những thành quả đạt được tiếp tục đưa Quảng Ninh hoàn thành toàn diện nhiệm vụ trong hành trình về đích của nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc phát triển bền vững của giai đoạn 2025-2030 trong tầm nhìn định hướng đến năm 2050; xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.

Nguyễn Huế (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/151578/tao-da-but-pha-giai-doan-moi