Tạo đà bứt phá năm 'nước rút'

Một mùa Xuân mới đang về trên mảnh đất biên cương cực Bắc với nhiều “quả ngọt” khi đa số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH năm 2023 đạt và vượt kế hoạch, tạo dựng nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng lòng, quyết tâm khơi thông các “điểm nghẽn” nhằm tạo đà bứt phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII trong năm “nước rút” 2024.

“Quả ngọt” năm “bản lề”

Năm 2023 được xem là năm “bản lề” thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã giúp KT – XH của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển vững chắc.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ.

Các chỉ tiêu chủ yếu về KT – XH cơ bản đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh giao; có 26/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chiếm 72,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá so với năm trước, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh, được HĐND tỉnh thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch xây dựng thực hiện đồng bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Chương trình phục hồi KT – XH và các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh thi công các dự án trọng điểm, các dự án giao thông có tính kết nối, lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương, nhất là đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1.

Hoạt động du lịch nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng bền vững, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; lượng khách đến Hà Giang đạt trên 3 triệu lượt, tăng 32% so với năm 2022. Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 3,5 lần so với cùng kỳ và vượt 27,64% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 17,55%, vượt 7,55% kế hoạch.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm... chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước xóa bỏ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên; các hoạt động về chuyển đổi số triển khai quyết liệt.

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng còn không ít khó khăn, thách thức trong tăng trưởng kinh tế được tỉnh nhận diện: Các ngành, lĩnh vực, nhất là công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Nhìn thẳng vào thực tế, tỉnh ta xác định là tỉnh nông nghiệp nhưng “điểm nghẽn” lớn nhất chưa được khơi thông chính là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất còn chậm. Chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh; chưa thu hút, đầu tư các dự án chế biến sâu nông sản và áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Sản phẩm du lịch phục vụ du khách chưa đa dạng, hấp dẫn; nguồn nhân lực du lịch hoạt động chưa chuyên nghiệp. Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở thiếu đồng bộ; hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao. Chất lượng giáo dục thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số hoạt động thiếu quyết liệt…

Quyết tâm bứt phá năm “nước rút”

Sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được dán tem giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được dán tem giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tháo gỡ, khơi thông các “điểm nghẽn” vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, các chương trình trọng điểm, nhằm huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng văn hóa con người Hà Giang, làm tốt vai trò “phên giậu” của Tổ quốc và phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực đổi mới, chủ động, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành cao nhất và toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Xác định là năm “nước rút”, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tập trung thực hiện 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án trọng điểm; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, các tuyến đường giao thông liên kết vùng. Phát triển mạnh du lịch theo hướng bền vững; các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; cải cách hành chính, chuyển đổi số. Bảo đảm QP – AN, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, tỉnh ta tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; vận dụng linh hoạt đối với từng dự án, thủ tục hành chính cụ thể để giải quyết những tồn tại vướng mắc, không dập khuôn máy móc. Xây dựng và triển khai các kế hoạch chuyên đề về phát triển KT – XH, đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo bám sát vào mục tiêu các chương trình và khả năng huy động nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình ngay từ đầu năm. Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH; huy động nguồn lực, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ, chương trình tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng bộ, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm...

Xuân mới đã về trên miền đá biên cương Hà Giang, mang theo niềm tin và khát vọng đổi mới. Với những mục tiêu cụ thể cùng các giải pháp đồng bộ được triển khai bằng quyết tâm chính trị cao nhất của cả hệ thống chính trị sẽ là nền tảng vững chắc để tin tưởng vào mùa Xuân no ấm sẽ luôn ở lại với người dân địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202401/tao-da-but-pha-nam-nuoc-rut-a8a5712/