Tạo điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh ở Thái Bình
Tối 7/4, Lễ hội đền Tiên La năm 2025 đã khai mạc tại Di tích lịch sử Quốc gia đền Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và rất đông người dân, du khách. Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc và lễ bái yết diễn ra trang trọng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Rất đông người dân về tham dự lễ hội đền Tiên La. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Lễ hội đền Tiên La là một lễ hội lớn và quan trọng của Thái Bình, diễn ra hằng năm để tưởng nhớ công lao của Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã có công đánh quân xâm lược phương Bắc, được tấn phong là Đông Nhung đại tướng quân. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 7-11/4 (tức ngày 10-14/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đặc sắc. Phần lễ với lễ khai mạc, lễ bái yết. Phần hội diễn ra thi giã bánh giầy, liên hoan các câu lạc bộ chèo, têm trầu cánh phượng, cờ biển, pháo đất, liên hoan hát văn, kéo co... Đây không chỉ là dịp để người dân địa phương và du khách bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục mà còn là cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của vùng đất Thái Bình.
Đền Tiên La được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986. Đền nằm trên diện tích gần 3ha theo kiến trúc cổ “Tiền nhất - hậu đinh”. Mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, cổng tam quan hai tầng uy nghi, phía ngoài cổng có nhiều tượng ngựa đá, voi đá, các nữ binh sĩ bằng đá, người tuốt gươm, người nắm đốc gươm đứng oai nghiêm như gợi nhớ về thuở oai hùng nghìn năm trước. Với giá trị lịch sử, lối kiến trúc độc đáo, đền Tiên La đang là một điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh của Thái Bình...
Thái Bình là vùng đất "địa linh nhân kiệt", quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như, chùa Keo, đền Trần, đền Tiên La... Thái Bình đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh tập trung phát triển không gian, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, trong đó có các sản phẩm du lịch văn hóa tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, đền Trần, đền Tiên La…
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế; xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần du lịch tỉnh Thái Bình hằng năm theo quy mô, hình thức phù hợp. Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững…
Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, đón trên 4,5 triệu lượt khách/năm, trong đó khoảng 10.000 lượt khách quốc tế trở lên; tạo việc làm cho khoảng 14.600 lao động; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến năm 2050, địa phương đón trên 9 triệu lượt khách du lịch/năm, trong đó khoảng 30.000 lượt khách quốc tế trở lên, doanh thu từ du lịch đạt trên 18.000 tỷ đồng…