Tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu phát triển toàn diện, làm chủ công nghệ
Cơ chế tài chính của nhà nước cần đóng vai trò như 'bà đỡ'; tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu được phát triển toàn diện, bắt kịp xu thế làm chủ công nghệ và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Thảo luận ở Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên) về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) dành sự quan tâm đến chính sách ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cơ chế tài chính của nhà nước cần đóng vai trò như “bà đỡ”

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 52 quy định cá nhân chủ trì nhiệm vụ đặc biệt được hưởng thêm các ưu đãi: “a) Hưởng lương, phụ cấp ưu đãi đặc biệt theo thỏa thuận…”.
Thống nhất cao quy định như vậy nhằm trả công xứng đáng, tạo động lực đối với các nhà khoa học, song, đại biểu Dương Bình Phú chỉ rõ, theo điểm đ mục II.3.1 Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành Trung ương đưa ra nội dung cải cách “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chỉ trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao”.

ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận
Mặt khác, điểm d Mục II.3.1 Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã đưa ra giải pháp “Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương”.
Do đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, cần làm rõ sự phù hợp của đề xuất nêu tại Điều 52 dự thảo Luật với Nghị quyết số 27-NQ/TW và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp.
Về quy định liên quan đến tài chính cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, dự thảo Luật cần quy định về cơ chế tài trợ linh hoạt, cho phép các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư.
Đồng thời, cơ chế tài chính của nhà nước cần đóng vai trò như “bà đỡ” (cơ chế hợp tác công - tư, công - công) trong việc sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng các tổ chức khoa học và công nghệ đạt chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho các tổ chức nghiên cứu được phát triển toàn diện, bắt kịp xu thế làm chủ công nghệ và phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, vì các quy định hiện tại về hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu còn rườm rà và hạn chế tính tự chủ của tổ chức nghiên cứu, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để đơn giản hóa thủ tục tài trợ, áp dụng cơ chế “tài trợ theo kết quả đầu ra” và khuyến khích hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến trách nhiệm hình sự trong hoạt động thử nghiệm, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị, cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm thống nhất với Điều 25 Bộ luật Hình sự hiện hành và dự án Bộ luật Hình sự trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Làm rõ trách nhiệm của người phụ trách khâu bảo vệ của cơ sở hạt nhân
Cho ý kiến đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các ĐBQH nhất trí với quan điểm xây dựng dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ.
Về an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu rõ, điểm a khoản 3 Điều 21 quy định: “Tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt hoặc bị phá hoại phải báo cáo ngay cho cơ quan công an, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất và cơ quan pháp quy hạt nhân; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức tìm kiếm, thu hồi và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và chịu mọi chi phí liên quan”.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc lại trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt hoặc bị phá hoại phải chịu mọi chi phí liên quan để tổ chức tìm kiếm, thu hồi và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân đối với nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Trong trường hợp này, cần làm rõ trách nhiệm của đối tượng chiếm đoạt hoặc phá hoại nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
“Đối chiếu với Bộ luật Hình sự, từ đó quy ra trách nhiệm đền bù nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân cũng như chi phí tìm kiếm. Nếu để tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt hoặc bị phá hoại chịu mọi chi phí liên quan có hợp lý, công bằng không trong trường hợp họ là người bị hại?”, đại biểu Dương Khắc Mai đặt vấn đề.
Tương tự, tại khoản 5 Điều 29 dự thảo Luật quy định: “Áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để tìm kiếm, thu hồi vật liệu hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân bị thất lạc, chiếm đoạt, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp, đồng thời báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân, cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan pháp quy hạt nhân; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện tìm kiếm, thu hồi và chịu mọi chi phí liên quan”.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, cũng cần cân nhắc làm rõ trách nhiệm của đối tượng chiếm đoạt, quy ra trách nhiệm đền bù nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân cũng như chi phí tìm kiếm, vì để người đứng đầu cơ sở hạt nhân chịu mọi chi phí liên quan có phần chưa hợp lý. Đối với trường hợp này, cần làm rõ thêm trách nhiệm của người phụ trách khâu bảo vệ của cơ sở hạt nhân khi để xảy ra vụ việc.