Tạo điều kiện cho người tái hòa nhập cộng đồng hoàn lương

Theo đánh giá của Sở LĐ-TBXH, thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện trở về địa phương được thực hiện đúng quy định.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu trao đổi với một số đơn vị, địa phương các giải pháp để gỡ khó trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa: T.Tâm

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu trao đổi với một số đơn vị, địa phương các giải pháp để gỡ khó trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa: T.Tâm

* Để người lầm lỗi có cơ hội hoàn lương

Thực tế một số người chấp hành xong án phạt tù, nhiều người sau cai nghiện về địa phương đã được hỗ trợ có việc làm ổn định, tránh tái phạm.

Ngày rời khỏi Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh (đóng tại xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) vào cuối năm 2022, anh Đ.Q.L. (31 tuổi, ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) như được sống lại thêm một lần nữa. Anh Đ.Q.L. tâm sự, sau gần 2 năm đi cai nghiện, mỗi lần nghĩ đến những cơn vật vã trong quá trình cắt cơn nghiện và nhìn cảnh cha mẹ già đi thăm mình hàng tuần, lòng anh như thắt lại.

Anh Đ.Q.L. kể, trong một lần buồn chuyện cá nhân, anh đã sử dụng ma túy. Để rồi sau lần sử dụng đó, thanh xuân anh cứ thế trôi qua trong những cơn nghiện ngập. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, anh đã trở lại khỏe mạnh bình thường.

Đặc biệt, anh Đ.Q.L. còn được các cơ quan chức năng tại H.Trảng Bom tin tưởng tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh H.Trảng Bom. Từ đó, anh vừa đi làm bảo vệ tại một công ty tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) và dùng số tiền vay được hùn hạp với anh trai để mở tiệm sửa xe kiếm thêm thu nhập sau khi tan ca. Nhờ làm nhiều việc vừa có thêm thu nhập vừa không có thời gian tụ tập với bạn bè xấu nên anh tránh xa con đường ma túy.

Còn đối với anh L.D.H. (29 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) từng vật vã với những cơn thèm ma túy. Thế nhưng nhờ sự động viên kịp thời của gia đình, sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương nên anh dần làm lại cuộc đời với cuộc sống gia đình êm ấm.

Anh H. kể, lúc 18 tuổi, vì tuổi đời còn trẻ nên anh sớm trở thành người nghiện và bị đưa đi cai nghiện bắt buộc từ năm 2013-2015. Sau khi cai nghiện, anh bắt đầu chí thú làm ăn và tự học nghề làm đồ chơi xe hơi.

Thấy được ý chí của anh H. từ bỏ con đường nghiện ngập, lấy vợ và rất nỗ lực nuôi dạy con nên gia đình, chính quyền địa phương tin tưởng làm đơn bảo lãnh cho anh H. được vay số tiền 50 triệu đồng từ ngân hàng để mở tiệm tạp hóa buôn bán và góp chung với bạn bè mở tiệm làm đồ chơi xe hơi tại H.Thống Nhất để có nguồn thu nhập ổn định lo cho gia đình.

* Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo Sở LĐ-TBXH, bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, công tác tái hòa nhập cộng đồng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: việc rà soát, thống kê, lập danh sách người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai, người có nhu cầu hỗ trợ học nghề, vay vốn chưa đầy đủ, chưa sát với thực tế; số người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn, giới thiệu việc làm còn thấp…

Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn thực hiện tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai chưa được ban hành hoặc chậm ban hành, gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện; một số địa phương chưa bố trí kinh phí để thực hiện công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn; công tác thống kê, rà soát nhu cầu việc làm, học nghề, vay vốn cho người chấp hành xong hình phạt tù còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện, chưa bố trí cán bộ làm nhiệm vụ theo dõi, quản lý, hỗ trợ…

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa, công tác tư vấn pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh cho người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP.Biên Hòa gặp nhiều khó khăn. Một số tổ chức, doanh nghiệp không muốn nhận người chấp hành xong phạt tù, người sau cai nghiện vào làm việc. Một số người sau khi chấp hành xong hình phạt tù, sau cai nghiện chưa được đào tạo nghề hoặc đào tạo nghề chưa phù hợp, không có vốn, không có công cụ, phương tiện nên việc bố trí việc làm, tạo điều kiện tự tìm kiếm việc làm ổn định cũng gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, Phó trưởng phòng LĐ-TBXH H.Vĩnh Cửu Lê Văn Hỡi cho hay, đa số những người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện có tâm lý mặc cảm, tự ti nên việc tiếp xúc, giới thiệu việc làm còn hạn chế. Trong khi đó, một số tổ chức, cá nhân vẫn còn tư tưởng kỳ thị, xa lánh, ít quan tâm tạo điều kiện cho họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, chính sách cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn hạn chế vì hồ sơ đòi hỏi gia đình hoặc chính quyền địa phương phải bảo lãnh mới cho vay tiền. Tuy nhiên, một số gia đình không đồng ý bảo lãnh và địa phương cũng chưa thật sự tin tưởng vào người chấp hành xong hình phạt tù hoặc người sau cai nghiện nên việc cho vay vốn tỷ lệ vẫn còn rất thấp.

Để gỡ khó, giúp người tái hòa nhập có cơ hội hoàn lương, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu đề nghị các đơn vị cần tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền pháp luật; tổ chức các hoạt động tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm phù hợp. Đồng thời, các đơn vị với nhiệm vụ được giao cần phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát tình hình người chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện về cư trú tại địa phương.

Trên cơ sở đó, tổng hợp và đề xuất các cấp, ngành, chính quyền cơ sở có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ thích hợp, kịp thời đối với người tái hòa nhập cộng đồng để giúp họ có cuộc sống ổn định, tránh tái phạm tội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202308/tao-dieu-kien-cho-nguoi-tai-hoa-nhap-cong-dong-hoan-luong-3173862/