Tạo 'đòn bẩy' kích cầu du lịch bằng đường hàng không

Trong bối cảnh khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, thị trường hàng không vẫn tăng trưởng, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế.

Giá vé cao, du lịch gặp khó

Tại hội thảo "Hàng không – du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" được tổ chức chiều 12/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết dù đại dịch Covid-19 đã qua nhưng những tác động tiêu cực và hậu quả của đại dịch vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các hãng hàng không.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thời quan qua, các hãng hàng không đã nỗ lực để phục hồi khai thác.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, thời quan qua, các hãng hàng không đã nỗ lực để phục hồi khai thác.

Thời quan qua, các hãng hàng không đã nỗ lực để phục hồi khai thác, nhưng những khó khăn nội tại vẫn là rào cản lớn để các hãng có thể phục hồi lại như thời điểm trước dịch.

Chưa kể cuối 2023, những tác động chi phí đầu vào gia tăng, biến động quy mô tàu bay gây áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào giai đoạn cao điểm.

"Trong bối cảnh khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, thị trường hàng không vẫn tăng trưởng, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Đây là kết quả đáng khích lệ, thúc đẩy giao thương quốc tế và đưa du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều", Bộ trưởng Thắng nói.

Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong sự đồng hành, quan tâm của Chính phủ, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cho biết sau đại dịch, ngành du lịch đã phục hồi và phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế.

Theo ông Cương, 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng và đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

"Góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác, lên đến gần 80%", ông Cương thông tin.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thế thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thế thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Ngay trong ngắn hạn, việc hoàn thành mục tiêu năm 2024 của ngành du lịch trở nên đầy thách thức trong bối cảnh nước ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những yếu tố bất lợi trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu, đặc biệt là trước những diễn biến khó lường từ tình hình địa chính trị thế giới, lạm phát, biến đổi khí hậu…

Nói về điều này, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines (VNA) cho biết giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu, do chịu tác động bởi các nguyên nhân: giá nhiên liệu tăng cao, bình quân 2024 tăng 34% so với 2019 (từ 76,7 USD/thùng lên 102,8 USD/thùng); tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, tại Việt Nam bình quân 2024 tăng 8% so với 2019; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) dẫn đến tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu, ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay (bình quân 2024 so 2019 tăng từ 20-30%).

Tại Việt Nam, thời gian qua, tỉ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ Lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Hiện tại, hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá thấp, hợp lý khi chọn lựa các chuyến bay tránh dịp cao điểm, ngày, giờ cao điểm.

Theo ông Trung, việc giá vé bay bay nội địa trong một số thời điểm cao hơn bình thường chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận hành khách trong việc di chuyển nội địa. Về tổng thể, nhiều đường bay mới được các hãng hàng không mở thời gian qua đã đóng góp lớn cho việc khôi phục và du lịch quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến với việc tăng cường các đường bay quốc tế, không chỉ đến Hà Nội và TP.HCM mà còn đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Cần "cái bắt tay" chặt

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng giá vé máy bay liên tục tăng cao đồng nghĩa với việc giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế, giảm phần nào nhu cầu đi lại.

Toàn cảnh hội thảo "Hàng không – du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững".

Toàn cảnh hội thảo "Hàng không – du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững".

Du khách sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế với các phương tiện phù hợp và các điểm đến gần hơn. Doanh nghiệp này cũng đã phải linh hoạt mở rộng các sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành tại 18 địa phương.

Về lâu dài, theo ông Yên, điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam với du khách quốc tế và du lịch nội địa với du khách trong nước.

"Thói quen chờ các đợt kích cầu, giảm giá cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng không mong muốn với thị trường du lịch", ông Yên nói và đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ phù hợp cho các hãng hàng không nhằm giảm chi phí và gói trợ cấp cho các hãng khai thác các chuyến bay đến các điểm đến chưa phổ biến, tạo điều kiện để hàng không có chính sách giá tốt, phù hợp và các công ty du lịch mở thêm các sản phẩm mới cho du khách.

Cùng đó, du lịch và hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới, trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác du lịch hai chiều.

Khẳng định "giá vé máy bay không chỉ làm tổn hại tới ngành du lịch mà cả các ngành khác, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân địa phương", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề xuất Chính phủ khuyến khích thành lập các hãng hàng không mới, cũng như hỗ trợ chính sách thuế, phí và giá cho các hãng, xem xét điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu xăng dầu để hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn khó khăn.

Đồng thời, hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, trợ giá vé máy bay không quá 30 USD/ vé và trợ giá phòng lưu trú không quá 30 USD/ đêm, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng, cho 2 triệu vé máy bay và 5 triệu đêm lưu trú tại các điểm đến du lịch trọng điểm của Việt Nam.

Cùng đó, đề xuất thiết lập cơ chế để ngành hàng không và du lịch hợp tác, có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không…

6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đi lại bằng đường hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023 và bằng 98% so cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2022. Dự báo, lượng khách vận chuyển bằng đường hàng không năm 2024 xấp xỉ 78,3 triệu, tăng 7,7% so năm 2023.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tao-don-bay-kich-cau-du-lich-bang-duong-hang-khong-192240612145828371.htm