Táo 'Đông Trù tư mệnh' và 'Định phúc Táo quân' có công năng gì
'Đông trù Tư mệnh' còn gọi là Thổ Táo coi việc củi lửa bếp núc; 'Định phúc Táo quân' còn gọi là Phật Táo theo dõi công tội của con người, đảm nhận việc lên trời.
Theo phong tục truyền thống của người Việt, hầu như gia đình nào cũng thờ gia thần. Đây là những thiên thần, hoặc phúc thần với chức năng phù hộ độ trì cho già trẻ trong gia đình - được thờ trong nhà, trong khuôn viên đất, hay vườn nhà.
Tập tục thờ Ông Táo
Có một gia thần được thờ phổ biến trong các gia đình đó chính là ông Táo. Theo tín niệm dân gian, vị thần này coi quản về bếp núc, củi lửa và cả tội phúc của các thành viên trong nhà.
Lệ thường, các vị thần này lên trời ngày 23 tháng Chạp để tâu trình với Ngọc hoàng đại đế về cách ăn cách ở của từng người trong gia đình. Vì vậy, người ta làm lễ tiễn Táo quân về Trời. Bài vị, ba cỗ mũ, áo hia cũ được thay mới; đồ cũ đốt đi. Người ta cũng mua cá chép để thần cưỡi. Cá sẽ vượt vũ môn hóa rồng để bay lên thiên đình. Sau 7 ngày trên trời, đến ngày cuối năm, gia chủ bày lễ cũng về an vị trên bàn thờ cũ đã dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm.
Trong cuốn Khảo luận về Tết, từ việc nghiên cứu tỉ mỉ phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam và tham khảo các tư liệu như Sự tích Táo Quân, Táo Quân chơn kinh, Lễ ký, tác giả, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã giải thích nguồn gốc tập tục thờ Ông Táo, đồng thời phân biệt rõ công năng của mỗi vị thần bản gia Táo Quân.
Theo tác giả sách, tập tục thờ Ông Táo không ngừng thay đổi theo thời gian, tạo nên một tập thành tín lý đa tạp khó truy nguyên, song điều rõ rệt là tập tục này khởi đầu từ tín ngưỡng thờ lửa của gia đình.
Ở miền Bắc đa số mọi người đều thờ cúng Ông Táo và Thổ Công nên thường gọi đây là lễ “Cúng Ông Công - Ông Táo”, thậm chí không ít người còn gọi không chính xác là lễ “Cúng Ông Công”.
Có lẽ do tồn tại việc thờ cúng các vị thần Đất/Thổ Công và Ông Táo (Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân, Thổ địa long mạch tôn thần, Ngũ phương, ngũ thổ Phước đức chính thần) chung một chỗ nên dẫn đến việc đồng nhất các vị thần này. Thật ra đây là những vị gia thần khác nhau. Ông Táo còn gọi là Táo Quân hay Vua Bếp được tôn là “Đệ nhất gia chi chủ” (Đứng đầu trong tất cả gia thần).
Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cũng cho biết, theo quan niệm của Nho gia, Táo quân là chủ của một gia đình, đứng đầu trong Ngũ tự, tập hợp năm đối tượng thờ tự của mỗi gia đình: Táo (bếp), Tỉnh (giếng), Môn (cổng/ngõ), Hộ (cửa) và Trung lựu (máng xối/giữa nhà).
“Đông trù Tư mệnh” và “Định Phúc Táo quân”
Theo Táo quân chơn kinh, trong năm đối tượng thờ tự (Ngũ tự) thì: “Nay bỏ hết bốn, chỉ còn thờ một thần Táo mà thôi vì Lễ Ký nói: “Năng hạn đại hoạn tắc tự chi”, tức vị thần nào hay cứu nạn cả thì được phép thờ. Bởi Ông Táo coi họa phước nội nhà nên nhà nào cũng thờ. Bởi ngài như miệng lưỡi của sao Bắc Đẩu hằng ở phía Đông (cái nhà chái dưới bếp), mà coi lành thì cho phước, dữ thì cho họa”.
Điều này cho thấy lý do tập tục thờ Ngũ tự ít phổ biến, trong khi tập tục thờ Táo lại có mặt ở hầu hết mọi gia đình. Đến đây, chức trách của Táo quân từ chỗ cai quản việc củi lửa bếp núc biến thành vị gia thần nắm quyền sinh tử, họa phúc của một nhà.
Trong mục “Khuyến thiên văn” trong Táo quân chơn kinh viết: “Ta là Đông trù Tư mệnh, hưởng hương lửa mỗi nhà, bảo hộ sự khang thái cho mỗi nhà, giám sát việc thiện ác mỗi nhà, tâu trình công đức, tội lỗi mỗi nhà".
Thần hiệu “Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân” chỉ ra rằng Táo quân đã đảm trách cả việc bếp núc lẫn “tư mệnh”, quản lý sinh mệnh của các thành viên trong gia đình, hay hẹp hơn là gia chủ, tức thần Bếp/Táo quân đã gánh thêm công năng mới ngoài công năng nguyên thủy của mình.
Sự tích hợp thêm công năng “tư mệnh” đã chỉ ra một xu hướng chuyển đổi mang tính chất truyền thống của vị thần Bếp này theo đà tiến bộ của con người đã có được khả năng làm chủ ngọn lửa.
Trong xu hướng càng ngày càng thiên trọng công năng phúc thần của Táo quân ở việc tách bạch Đông trù Tư mệnh Táo phủ thần quân với Định phúc Táo quân ra thành hai vị gia thần riêng biệt.
Táo “Đông trù Tư mệnh” đảm nhận việc “ty hỏa” được thờ ở dưới bếp còn được gọi là Thổ Táo, còn “Định phúc Táo quân” lo việc “đạt thiên” được thờ ở trang thờ ở gian giữa nhà chính (trên bàn thờ tổ tiên hay trên khung cửa chính của gian giữa nhà chính, ngó mặt vào bàn thờ tổ tiên) - được gọi là Phật Táo. Thổ Táo coi việc củi lửa bếp núc; Phật Táo theo dõi công tội của con người, đảm nhận việc lên trời (23 tháng Chạp) để tâu báo với Ngọc Hoàng.
Tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cho cũng cho biết thêm, ở Nam bộ, các bài vị thờ Táo quân trong hầu hết gia đình, dù thờ dưới bếp hay trên trang thờ ở nhà trên đều là “Định phúc Táo quân”.
Điều này chỉ ra rằng tín lý thờ ông Táo ngày nay đã nghiêng hẳn về công năng xét tội định phúc và thế nhân đã không màng đến việc cầu vị gia thần bảo hộ gia đình được an toàn bởi tính hủy diệt của lửa, mặc dù họ vẫn bảo lưu tập tục thắp nhang hàng ngày ở bệ thờ ông Táo đặt ở dưới bếp lẫn ông Táo trên trang thờ ở nhà trên; và đến đêm 23 tháng chạp, gia đình nào cũng làm lễ tiễn ông Táo về trời.