Tạo đột phá phát triển ngành công nghiệp ô tô
Cần phải có các giải pháp quyết liệt để tạo ra sự đột phá và phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Thẳng thắn nhìn nhận điểm nghẽn
Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Hiện cả nước có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%.
Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và 150 nhà cung cấp cấp 2,3. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Chia sẻ về ngành, theo GS, TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thái Lan là quốc gia có ngành công nghiệp ô tô khá phát triển. Tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô mang lại cho Thái Lan hàng nghìn tỷ bath mỗi năm. Hiện Thái Lan có gần 600 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3 cho sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên, tỉ lệ các doanh nghiêp nội địa thuần Thái Lan hoặc doanh nghiệp do Thái Lan làm chủ chỉ chiếm 20% tổng giá trị ngành công nghiệp ô tô nước này.
Với Việt Nam, sau hàng chục năm phát triển, đến nay công nghiệp ô tô vẫn ở giai đoạn 1, gọi là giai đoạn duy trì. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, đạt tỷ lệ nội địa hóa 65-70%, thì Việt Nam còn kém vài thế hệ. Các doanh nghiệp thuần nội địa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô không chỉ ít về số lượng mà còn chủ yếu sản xuất những sản phẩm giản đơn.
Phân tích thêm, TS Trương Thị Chí Bình, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam chia làm 2 nhánh: Những hoạt động có giá trị cao, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn các hoạt động có giá trị thấp tập trung bởi những doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rơi vào “bẫy năng suất thấp”.
Dưới góc độ về công nghiệp hỗ trợ ô tô, ông Nguyễn Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô vẫn đang ở giai đoạn 1 (giai đoạn duy trì). Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất ra những linh phụ kiện có giá trị không cao và ít tính cạnh tranh. Một trong những vấn đề chính là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải chỉ ra, để đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng đối với công nghiệp hỗ trợ. Xu hướng chuyển đổi sang xe xanh là tất yếu, chúng ta nói nhiều về chip bán dẫn, công nghệ mới, về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể.
Xây dựng hệ sinh thái cho công nghiệp ô tô
Muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững, Việt Nam cần hình thành những doanh nghiệp nội địa có tiềm lực mạnh, vươn lên làm chủ công nghệ và nắm vai trò dẫn dắt, kéo theo các doanh nghiệp khác tham gia chuỗi cung ứng, đưa công nghiệp ô tô đi lên.
Theo đánh giá, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.
Tại Việt Nam đến nay đã xuất hiện những nhân tố này. Điển hình là Công ty VinFast. VinFast đã định hình 2 trung tâm công nghiệp ô tô lớn tại Hải Phòng và Hà Tĩnh. Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng có công suất 250.000 xe/năm, có thể nâng lên 900.000 xe/năm. Tại Hà Tĩnh, VinFast mới khởi công Nhà máy ô tô hiện đại với công suất 300.000 xe/năm, có thể nâng lên 600.000 xe/năm. VinFast đang hình thành cụm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp linh kiện, phục vụ cho lắp ráp ô tô và xuất khẩu. Hiện ô tô của VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, sẽ tăng lên 84% vào năm 2026.
Hay như Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng.
THACO đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.
Năng lực nội sinh của THACO còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM (sản xuất thiết bị gốc) cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu chuỗi như THACO, Vinfast có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô nói chung và công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng phát triển. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các đơn vị cung ứng linh kiện thứ cấp có điều kiện giao lưu, nghiên cứu, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm.
GS. TS Lê Anh Tuấn cho rằng, khi đã có “đầu tàu”, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng trước cơ hội lớn mạnh. Với sự tiên phong của các doanh nghiệp trên sẽ tạo ra hệ sinh thái ô tô cho Việt Nam, từ đó mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp ô tô và sản xuất nội địa, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.
Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-dot-pha-phat-trien-nganh-cong-nghiep-o-to-369566.html