Tạo đột phá trong xây dựng và thi hành pháp luật: Cần cơ chế rõ ràng, đồng bộ và nhân lực tuyến đầu đủ mạnh
Tại phiên thảo luận sáng 16/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã phát biểu góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng ngày 16/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Khẳng định tính cần thiết, cấp bách của Dự thảo, đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá việc ban hành Nghị quyết là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu cải cách toàn diện hoạt động lập pháp, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Dự thảo đã thể hiện sự gắn kết với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo đại biểu, một số nội dung quan trọng trong Dự thảo như cơ chế khoán chi, thù lao, thu hút nhân tài, hay thành lập Quỹ Hỗ trợ pháp luật… nếu không có hướng dẫn chi tiết, rất dễ lâm vào tình trạng “thiếu hành lang pháp lý” như một số mô hình cải cách từng gặp phải trước đây. Do đó, ông đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp liên ngành trong xử lý điểm nghẽn pháp luật, đồng thời xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả Nghị quyết, với thời điểm tổng kết sau 3 năm triển khai.
Cần cụ thể hóa nội hàm, tiêu chí, và nhiệm vụ được hưởng cơ chế đặc biệt
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị làm rõ khái niệm “hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật” tại Điều 1 của Dự thảo - tránh tình trạng mở rộng tùy tiện. Các hoạt động như rà soát, phản biện, tư vấn chính sách cần được xác định rõ là đối tượng thuộc diện áp dụng cơ chế đặc biệt.
Tại Điều 2, đại biểu đề xuất bổ sung nhiệm vụ “phân tích, xử lý xung đột pháp luật và hệ thống hóa pháp luật”, vốn là công việc mang tính nền tảng trong cải cách thể chế. Ngoài ra, tiêu chí lựa chọn chuyên gia, tổ chức tư vấn cũng cần được quy định cụ thể về trình độ, kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp - có thể tham khảo mô hình danh sách công khai.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình thảo luận tại hội trường sáng ngày 16/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Chính sách đãi ngộ cần minh bạch, hợp lý
Góp ý cho Điều 7, đại biểu đề nghị làm rõ tiêu chí xác định “trực tiếp, thường xuyên” đối với người làm công tác xây dựng pháp luật, ví dụ như yêu cầu thời gian tham gia tối thiểu 70% tổng thời gian công tác. Đồng thời, cơ chế chi trả hỗ trợ hằng tháng cũng cần phân định rõ giữa trung ương và địa phương để tránh vướng mắc thực tiễn.
Đối với khoản miễn thuế thu nhập cá nhân, đại biểu kiến nghị chỉ nên áp dụng trong khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ cụ thể, gắn với từng đề án, dự án rõ ràng, tránh kéo dài đại trà không kiểm soát.
Tăng trách nhiệm khi thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn ngoài
Tại Điều 9, đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về chuyển giao sản phẩm đối với nhiệm vụ do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện - trong đó nêu rõ cơ quan nhà nước là chủ sở hữu kết quả và yêu cầu bảo mật thông tin. Đồng thời, cần có cơ chế thẩm định độc lập với sản phẩm tư vấn từ nước ngoài để bảo đảm phù hợp điều kiện pháp lý và xã hội Việt Nam.
Kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách đặc thù
Đáng chú ý, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung các đối tượng đang làm nhiệm vụ tham mưu pháp luật tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, cũng như các Ban HĐND ngoài Ban Pháp chế. Đây là lực lượng tham mưu tuyến đầu tại địa phương, có vai trò rất lớn trong tiếp nhận kiến nghị, tổng hợp ý kiến nhân dân, thẩm tra, góp ý văn bản pháp luật.
Để thể chế hóa nội dung này, đại biểu đề xuất bổ sung vào khoản 1 Điều 7 Dự thảo Nghị quyết một điểm mới như sau:
“đ) Công chức, đại biểu chuyên trách tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, các Ban của HĐND cấp tỉnh có vị trí việc làm trực tiếp thực hiện công tác tham mưu pháp luật, giám sát, thẩm tra, kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật, theo phân công của cơ quan có thẩm quyền”.
Đồng thời, bổ sung Mục 7 và Mục 8 vào Phụ lục I để làm rõ danh mục các đơn vị được hưởng chính sách, trong đó nêu rõ vị trí việc làm cụ thể như thư ký kỳ họp HĐND, thư ký giúp việc đại biểu Quốc hội/HĐND chuyên trách, công chức được giao thẩm tra nghị quyết, phản biện chính sách địa phương...