Tạo dựng thêm những ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới

Tham gia 'sân chơi' thiết kế những làng du lịch tốt nhất thế giới không chỉ giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam khai thác tốt lợi thế du lịch nông thôn, bảo tồn di sản, mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Làng Thái Hải (Thái Nguyên) được vinh danh Làng du lịch tốt nhất thế giới với mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc Tày

Làng Thái Hải (Thái Nguyên) được vinh danh Làng du lịch tốt nhất thế giới với mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc Tày

Cơ hội cho du lịch nông thôn Việt Nam

Kể từ khi thành lập vào năm 2021, sáng kiến Làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch nông thôn, tôn vinh những giá trị văn hóa và cộng đồng. Theo báo cáo của UN Tourism, tính đến năm 2024, sáng kiến này đã thu hút hơn 800 hồ sơ tham gia từ hơn 100 quốc gia, trong đó, 130 làng đã được vinh danh.

Tổng thư ký UN Tourism, ông Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: “Sáng kiến này không chỉ tôn vinh các điểm đến nông thôn, mà còn giúp bảo tồn di sản, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững”. Năm 2025, mỗi quốc gia thành viên có thể đề cử tối đa 8 làng thông qua Cơ quan Du lịch quốc gia (NTA), thời hạn nộp hồ sơ đến ngày 19/5.

Các làng du lịch được đánh giá dựa trên 9 tiêu chí, bao gồm tài nguyên văn hóa, bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội, bền vững môi trường, cơ sở hạ tầng và an toàn du khách.

Bằng cách khai thác các tài sản độc đáo vốn có, những ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới đã và đang tạo ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, bảo vệ các giá trị truyền thống địa phương và thúc đẩy chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng của họ.

- Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký UN Tourism

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, sở hữu lợi thế về tài nguyên giàu bản sắc của khu vực nông thôn. Những năm qua, Việt Nam đã quan tâm phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour/tuyến, mở rộng không gian đón khách về nông thôn.

“Du lịch nông thôn cũng là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ duy trì các nghề truyền thống, phát triển sản vật địa phương có giá trị, tạo niềm tin gắn bó với quê hương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.

Theo bà Zoritsa Urosevic, Phó tổng thư ký UN Tourism, 84% người dân sống ở nông thôn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như dân số già, việc làm, thiên tai, dịch bệnh… Du lịch có thể giải quyết tất cả các vướng mắc này. Mô hình phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần đa dạng kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, tăng cường sự kết nối giữa con người với môi trường…

Du lịch nông thôn không chỉ giúp bảo tồn di sản văn hóa, mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế thông qua việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tạo việc làm và duy trì nghề truyền thống. UN Tourism ước tính, du lịch nông thôn có thể tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm mới mỗi năm trên toàn cầu.

Cơ hội “vàng” để quảng bá du lịch Việt Nam

Đến nay, Việt Nam đã có 3 ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới. Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) được UN Tourism vinh danh năm 2024 nhờ mô hình sản xuất rau hữu cơ kết hợp du lịch trải nghiệm. Làng có 202 hộ dân với 326 lao động, diện tích 18 ha, thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm.

Làng Tân Hóa (Quảng Bình) được công nhận năm 2023 với mô hình làng du lịch thích ứng với thiên tai. Hơn 600 căn nhà nổi giúp người dân sinh hoạt bình thường trong mùa lũ. Mô hình du lịch mùa lũ thu hút hàng ngàn du khách quốc tế đến trải nghiệm.

Trước đó, năm 2022, làng Thái Hải (Thái Nguyên) được vinh danh với mô hình bảo tồn văn hóa dân tộc Tày. Làng có 30 ngôi nhà sàn cổ trên diện tích 25 ha, kết hợp du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa bản địa.

Bà Zoritsa Urosevic đánh giá: “Việt Nam có tiềm năng lớn trong du lịch nông thôn nhờ sự đa dạng văn hóa và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Việc tham gia sáng kiến Làng du lịch tốt nhất thế giới sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới”.

Các bản làng du lịch thành công, được vinh danh làng du lịch tốt nhất thế giới đều chú trọng bảo tồn kiến trúc, phong tục tập quán và văn hóa bản địa. Họ triển khai các nền tảng số để quảng bá và đặt tour trực tuyến. Đặc biệt, các làng tăng cường hợp tác công - tư để nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch.

Việc các làng du lịch ở Việt Nam được vinh danh Làng du lịch tốt nhất thế giới là cơ hội “vàng” để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của du lịch nông thôn Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các bộ, ngành nỗ lực cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch nông nghiệp, mời các doanh nghiệp du lịch cùng “vẽ” thêm nhiều ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới vào bản đồ du lịch Việt Nam. Từ đó, tạo đà đưa du lịch nông thôn phát triển trở thành sản phẩm quan trọng, góp phần gia tăng tính hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Hồng Hạnh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tao-dung-them-nhung-ngoi-lang-du-lich-tot-nhat-the-gioi-d248078.html