Tạo hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi mua bán trái phép

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, hiện nay, có thực trạng là thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, nhất là mua bán dữ liệu cá nhân trái phép...

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Chiều 5-5, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là một trong những dự án luật mà Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Trình bày tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan tới chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu…

Hiện nay có thực trạng là thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh; thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân; thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; tình trạng chiếm đoạt, chuyển giao trái phép, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức, tràn lan, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư của cá nhân, sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, quyền bảo vệ bí mật cá nhân.

Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số…

“Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…” Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 Chương, 68 Điều, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra

Về các nội dung mới của dự thảo Luật, trên cơ sở phát triển quy định của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP Bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Luật bổ sung 2 nội dung mới là: 01 chương quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ kinh doanh; 01 chương quy định về biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ông Tới nhấn mạnh, việc xây dựng dự án luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý; đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đề nghị cần phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các vấn đề thực tiễn phát sinh để quy định bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi, tính tương thích với các điều ước quốc tế.

Về hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7) tại dự thảo luật, ông Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc cấm “Mua, bán dữ liệu cá nhân” vì cho rằng, quy định này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, nên cần quy định theo hướng thông thoáng hơn, đề nghị chỉnh sửa thành cấm “mua, bán dữ liệu cá nhân trái pháp luật”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các bên kiểm soát, xử lý dữ liệu cá nhân khi thực hiện các yêu cầu của chủ thể dữ liệu cá nhân để bảo đảm hài hòa về quyền và lợi ích của các bên có liên quan…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban về sửa đổi Hiến pháp

Các ĐBQH biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết, chiều 5-5

Cũng trong chiều 5-5, với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

Theo đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có 15 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Các Phó Chủ tịch Ủy ban có: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-ngan-chan-cac-hanh-vi-mua-ban-trai-phep-post610844.antd