Tạo hành lang pháp lý cho bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng số

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sáng 14.3, các chuyên gia cho rằng cần có quy định phù hợp cho bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng số. Tọa đàm do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các quy định về bảo tàng được thể hiện tại chương V. Đây là chương mới, được tách từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành, gồm 14 điều (từ Điều 61 đến Điều 74).

Tọa đàm do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì

Tọa đàm do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì

Các đại biểu nhận xét, các nội dung quy định trong dự thảo luật ở chương này có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn hoặc quy định mới, qua đó hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo tàng.

Từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp đến nay cả nước đã phát triển thành hệ thống gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, số lượng bảo tàng ở Việt Nam và số lượng hiện vật còn khiêm tốn so với nhiều quốc gia. Thừa Thiên Huế có 5 bảo tàng công lập, 5 bảo tàng ngoài công lập, trong khi nhiều thành phố ở châu Âu có hàng trăm bảo tàng…

Các chuyên gia cho rằng cần tạo hành lang pháp lý, khuyến khích bảo tàng ngoài công lập

Các chuyên gia cho rằng cần tạo hành lang pháp lý, khuyến khích bảo tàng ngoài công lập

Hiện nay, bảo tàng cấp tỉnh đạt chuẩn đếm chưa được 1 bàn tay, nhiều bảo tàng trong tình trạng sử dụng tạm, không thể trưng bày… Trong bối cảnh đó, TS. Phan Thanh Hải cho rằng nên khuyến khích thành lập bảo tàng ngoài công lập, qua đó có thể huy động nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư đến nơi đến chốn cho các bảo tàng công lập hiện có.

Các đại biểu cũng đề xuất có điều riêng về bảo tàng ngoài công lập để tạo điều kiện pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của loại hình này. Thực tế hiện nay không ít đơn vị tư nhân hoạt động như bảo tàng nhưng chưa được công nhận là bảo tàng vì khó khăn trong quá trình cấp phép hoạt động...

Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, công nghệ chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động của bảo tàng hiện đại, giúp trưng bày bảo tàng thêm sống động, có sức lan tỏa cao, giúp quảng bá văn hóa Việt không giới hạn không gian và thời gian.

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh (trái), bảo tàng số là xu hướng của thế giới nên cần có quy định phù hợp trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh (trái), bảo tàng số là xu hướng của thế giới nên cần có quy định phù hợp trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Bảo tàng số là xu hướng tương lai và hiện tại nhiều quốc gia đã có bảo tàng số thu hút khách tham quan không kém bảo tàng thật. Thậm chí, có bảo tàng diễn giải hoàn toàn bằng công nghệ, không có hiện vật. Do đó, cần bổ sung giải thích từ ngữ cho phù hợp trong dự thảo luật.

Thực tế hiện nay một số bảo tàng phối hợp với các đơn vị chuyên môn về công nghệ để số hóa tài liệu hiện vật, tổ chức triển lãm, trưng bày trên không gian mạng. Điều này cũng đặt ra cần có quy định chặt chẽ về hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo tàng, vấn đề bản quyền...

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tâm huyết, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức chuyên môn của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, các ý kiến sẽ được nghiên cứu tiếp thu trong quá trình thẩm tra để dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để bảo đảm khả thi, phù hợp với thực tiễn.

Ng. Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tao-hanh-lang-phap-ly-cho-bao-tang-ngoai-cong-lap-bao-tang-so-i362936/