Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động đấu giá tài sản

Thảo luận tại Tổ 13 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong phiên họp chiều nay, 8.11, ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành 2 dự Luật này nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ đối với hoạt động đấu giá tài sản và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc xác định bước giá

Đồng tình với sự cần thiết ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, việc xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay.

ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn thảo luận tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

ĐBQH tỉnh Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn thảo luận tại Tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng nhấn mạnh, sửa đổi Luật Đấu giá tài sản lần này cần bảo đảm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan tới hoạt động đấu giá tài sản.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề nghị, cần nghiên cứu có thêm các chế tài mạnh hơn với các trường hợp trúng đấu giá, nhưng không nộp tiền nhằm tránh các nhu cầu ảo.

Góp ý về quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định về bước giá, ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) nhận thấy, so với Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thì khái niệm về bước giá đã hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, thực tế, việc quy định các bước giá của các các tổ chức đấu giá khác nhau, có tổ chức quy định mức trả tối thiểu, có tổ chức quy định mức trả tối đa, cố định… gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Để dễ áp dụng, đại biểu đề nghị quy định bước giá bằng một điều khoản riêng trong dự thảo Luật, trong đó, quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc xác định bước giá trong từng trường hợp đấu giá.

Quy định rõ hơn về chính sách với phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp

Cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, với 7 chương và 73 điều, nội dung của dự thảo Luật đã thể hiện khá rõ 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong quá trình đề xuất điều chỉnh bổ sung đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Cụ thể, các nhóm chính sách gồm: phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, công nghiệp quốc phòng tuy nhiều về số lượng (79 cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, 37 cơ sở công nghiệp động viên) nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, tính quy tụ về công nghệ, sản phẩm chưa cao. Sự gắn kết giữa nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa chưa chặt chẽ. Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh chủ yếu là đơn vị sự nghiệp công lập (9 doanh nghiệp, 58 cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất) lại bố trí phân tán, chưa hình thành hệ thống độc lập. Do đó, cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên quốc phòng.

Về chính sách của Nhà nước đối với xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, bổ sung một điều quy định về nội dung này. Đại biểu đề xuất, có thể tách một số khoản tại Điều 4 hiện hành (đang quy định về nguyên tắc), trong đó quy định theo hướng: Nhà nước có các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp; phù hợp với khả năng phát triển kinh tế của đất nước; bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế; kinh tế với quốc phòng, an ninh”.

Cùng với đó, cần quy định rõ chính sách huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tao-hanh-lang-phap-ly-day-du-cho-hoat-dong-dau-gia-tai-san-i349330/