Tạo hệ sinh thái sử dụng ngoại ngữ để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó xác định nhiệm vụ từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Muốn hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp gốc rễ là cần thay đổi cách dạy, cách học, cách thi, cách tổ chức toàn bộ hệ thống giáo dục ngoại ngữ hiện nay.

Một giờ học của học sinh vùng ven biển Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN
Để tiếng Anh không chỉ là “một môn học”
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến xây dựng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045”. Theo dự thảo Đề án, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học Việt Nam; trong đó, tiếng Anh là một môn học và được sử dụng để dạy, học các môn học, chuyên ngành phù hợp khác...
Dự thảo Đề án quy định có 6 cấp độ nhà trường triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam với mục tiêu chung tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc, để từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc, tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ mới, góp phần vào công cuộc phát triển và vươn mình của đất nước.
Dự thảo Đề án cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai như nghiên cứu và hoàn thiện thể chế; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; phát triển và đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên; ban hành, triển khai chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, học liệu; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá…
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, tiếng Anh là một trong 7 ngoại ngữ được giảng dạy trong các trường học tại Việt Nam. Đây là ngoại ngữ có số lượng học sinh lựa chọn, số trường lớp giảng dạy chiếm đa số, được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nhà trường. Với mục tiêu giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu thì việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động đến toàn quốc và nhiều thế hệ người Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trước đây, việc dạy và học ngoại ngữ thường tập trung sâu vào ngữ pháp, từ vựng, chưa chú trọng nhiều về giao tiếp. Vì vậy, với Đề án đang xây dựng, Bộ GD&ĐT mong muốn phát triển khả năng giao tiếp của học sinh ở cả không gian trong trường học và ngoài xã hội, tạo nên hệ sinh thái sử dụng ngoại ngữ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, đã đến lúc cần coi tiếng Anh không chỉ là “một môn học” mà biến nó thành một công cụ sống, một cánh cửa mở ra thế giới cho mọi học sinh Việt Nam.
Đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt
Nhằm có bức tranh tổng thể về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành, TP Hồ Chí Minh vừa thực hiện khảo sát năng lực tiếng Anh với hơn 47.000 giáo viên công lập. Theo đó, tất cả giáo viên ở các trường công lập, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR), từ A1 đến C2. Bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao. Đây cũng là nền tảng để ngành giáo dục xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
Nhấn mạnh vai trò của việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện Đề án, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Đức Sơn chia sẻ: "Những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập sư phạm tại các trường quốc tế hoặc song ngữ, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành, các hội thảo, tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của giảng viên quốc tế. Đồng thời, thực hiện thí điểm đưa sinh viên đi học một số học phần tương đương tại nước ngoài theo hình thức trao đổi. Việc tuyển sinh từng năm cũng chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào và thắt chặt đầu ra".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan, Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên nêu một số khó khăn hiện nay trong việc giảng dạy tiếng Anh như đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là giáo viên có khả năng giảng dạy ở các cấp độ cao, từ cấp độ 4 trở lên. Cơ sở vật chất và tài liệu giảng dạy vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu; thiếu đồng bộ trong phương pháp giảng dạy và chương trình học khiến cho việc tiếp cận tiếng Anh không đồng đều giữa các trường và các khu vực khác nhau.
Vì vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Loan, để khắc phục những khó khăn trên, hướng tới mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, cần đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh chất lượng cao, đặc biệt là giáo viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh ở các môn học khác. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình học đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của từng cấp học và phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên; tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh từ những lớp đầu tiên, kết hợp giữa học ngôn ngữ và các kỹ năng thực tế.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho rằng, cần xác định rõ thước đo năng lực và tiêu chuẩn đánh giá để bảo đảm hiệu quả dạy - học ngay từ các cấp học Mầm non, Tiểu học, tạo nền tảng vững chắc, sự nối tiếp hiệu quả ở các bậc học cao hơn. Đặc biệt, để triển khai Đề án thành công, không chỉ cần đội ngũ giáo viên giỏi mà còn cần xây dựng một môi trường đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.