Tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho truyền thông số trên mạng xã hội

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay'.

Các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND và PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các bộ, ban ngành và cơ quan trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Truyền thông số trên mạng xã hội đã mang lại cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn; giúp mỗi cá nhân có những điều kiện thuận lợi trong học tập, làm việc, giao lưu, trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thiết thực.

Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn đó, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm cũng triệt để khai thác tính ẩn danh, nặc danh, đặc điểm lan tỏa, phát tán thông tin nhanh, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian của truyền thông số trên mạng xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng, trực tiếp tác động đến ANQG và TTATXH của Việt Nam...

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc gia “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng về tăng cường quản lý nội dung, thông tin trên mạng xã hội, nhất là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện những nội dung truyền thông thiếu lành mạnh, lệch lạc, đi ngược lại với chuẩn mực xã hội và văn hóa, đạo đức truyền thống, vi phạm quy định của pháp luật.

Đồng thời, hội thảo cũng góp phần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn “PC hát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” ở Việt Nam; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên phạm vi toàn quốc, nhất là trên không gian mạng của lực lượng CAND, đặc biệt là Ban chỉ đạo 35 - Bộ Công an.

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Tại Việt Nam thời gian qua, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin - truyền thông, hoạt động của người dân trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu cấp bách đối với công tác quản lý nội dung truyền thông số, đặc biệt là vấn đề đảm bảo các giá trị văn hóa, đạo đức và quy định pháp lý của hàng tỷ nội dung số trên mạng xã hội, trong bối cảnh những nội dung này đang ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nhận thức, hành vi, thói quen và đời sống tinh thần của nhiều nhóm người trong xã hội.

Thực tiễn trên cho thấy, việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị..

Hội thảo đã nhận được 93 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo, trong đó có 28 bài viết của các nhà khoa học thuộc lực lượng CAND. Trong số này có thể kể đến một số tham luận tiêu biểu như: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng trong bối cảnh truyền thông số tại Việt Nam hiện nay" của Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng điều hành Bộ Công an; "Một số vấn đề về xây dựng văn hóa đạo đức và pháp lý trên môi trường mạng xã hội Việt Nam hiện nay" của Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; "Tác động của truyền thông số trên mạng xã hội đối với công tác báo chí trong CAND" của Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND; "Tự do ngôn luận trên mạng xã hội - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo ANTT" của Thượng tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng biên tập Báo CAND...

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đặc biệt, hội thảo đã đặt ra những vấn đề cấp bách trong công tác quản lý, lãnh đạo của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề truyền thông số trên mạng xã hội nói chung cũng như những ảnh hưởng của truyền thông số đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm ANTT của lực lượng CAND nói riêng. Từ đó đưa ra những vấn đề cần tập trung hơn nữa để thực hiện tốt các giải pháp một cách hiệu quả, khoa học góp phần bảo đảm giá trị văn hóa, đạo đức, nâng cao nhận thức pháp luật trong nội dung truyền thông số trên mạng xã hội, tiến đến xây dựng “con người có nhân cách” và “môi trường văn hóa lành mạnh”, trở thành nguồn lực vững chắc, to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Kết quả hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nghiên cứu vấn đề văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện CSND cũng như các cơ quan, đơn vị trong cả nước; từ đó góp phần nâng cao chất lượng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-nghe/tao-lap-moi-truong-an-toan-lanh-manh-cho-truyen-thong-so-tren-mang-xa-hoi--i732919/