Tạo sự bứt phá mới

Trong ngày làm việc thứ 9 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Theo đánh giá của các đại biểu, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã tạo ra những bứt phá mới trên tất cả lĩnh vực, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Những tháng đầu năm 2024, tình hình quốc tế tiếp tục có những biến động phức tạp, xung đột vũ trang tại nhiều điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và tiềm ẩn nguy cơ lan rộng; lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt… tạo áp lực lớn lên thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá trên toàn cầu. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã chủ động "biến nguy thành cơ” để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Trong 4 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu đạt 115,25 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. 4 tháng qua, cả nước có 81,3 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3%; tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%; tổng thu ngân sách ước đạt 733,4 ngàn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó là những kết quả vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, an sinh xã hội... là những điểm sáng nổi bật của đất nước trong thời gian qua.

Thời gian còn lại của năm, bên cạnh những tác động từ bối cảnh quốc tế, Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít lực cản trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước và thế giới phục hồi chậm, doanh nghiệp khó khăn về thị trường tiêu thụ; khả năng tài chính của doanh nghiệp hạn hẹp ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh ở từng đơn vị; tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong cả nước tuy đã tăng nhưng chưa đạt so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19; tình hình tai nạn giao thông trong cả nước vẫn chưa được kiềm chế; thiên tai, hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân… Những vấn đề nêu trên đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% của nước ta trong năm 2024.

Trước những lực cản hiện hữu, cần nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế để làm mới các động lực tăng trưởng cũ là một trong những yếu tố quan trọng đối với nước ta hiện nay. Ví như tận dụng đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu trong những tháng qua để mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm truyền thống là thế mạnh của Việt Nam. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt. Tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, để cải thiện môi trường và đổi mới chính sách, cơ chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, công nghiệp, công nghệ, thông tin, chuyển đổi số và hệ thống logistics phát triển đồng bộ nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật...

Đặc biệt, cần nhân rộng và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước và hướng tới xuất khẩu. Khai thác triệt để hoạt động du lịch để thu hút khách quốc tế kết hợp kích cầu tại các địa phương... tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158246/tao-su-but-pha-moi