Tạo thực lực cho công đoàn cơ sở

Làm thế nào để Công đoàn Việt Nam, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia?

Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Đa số đại biểu cho rằng, Luật Công đoàn hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đóng góp vào những thành tựu của đất nước trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Luật Công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu tình hình mới.

Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu đã kiến nghị những giải pháp tập trung vào việc phát huy vai trò của công đoàn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo thay vì quy định chung về quyền hạn, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn như trong dự thảo, cần nghiên cứu dành một mục riêng quy định trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở, từ đó định hướng, dẫn dắt, tạo thuận lợi cho việc triển khai áp dụng.

Theo các đại biểu, vai trò của công đoàn cơ sở có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống công đoàn, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn; công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, hoạt động của công đoàn cơ sở thời gian qua còn rất nhiều lúng túng, kém hiệu quả. Vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt. Năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu. Có đại biểu cho rằng, công đoàn cơ sở hiện được ví như "một cậu bé tí hon" nhưng đang phải khoác trên mình chiếc áo quá lớn.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là việc cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, vì thế, rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động. Do vậy, theo đại biểu, cần có những quy định pháp luật phù hợp để tạo điều kiện cho công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động, trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu.

Tại báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-thuc-luc-cho-cong-doan-co-so-782521