Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam khẳng định vai trò 'xương sống' trong đảm bảo an ninh năng lượng

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, việc được định danh là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam sau gần 50 năm hình thành và phát triển là một cột mốc quan trọng, khẳng định vai trò 'xương sống' của Petrovietnam trong đảm bảo an ninh năng lượng, từ đó nâng cao vị thế và đóng góp chiến lược cho nền kinh tế quốc dân.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển, vừa qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức được chuyển đổi định danh thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Đây không chỉ là sự thay đổi tên gọi, còn là bước chuyển mình chiến lược, thể hiện sự phát triển lớn mạnh không ngừng, quan trọng hơn là việc định hướng phát triển của Petrovietnam, mở rộng không gian hoạt động và nâng tầm vai trò, vị thế không chỉ trong lĩnh vực năng lượng truyền thống mà còn phát triển sang lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, dịch vụ.

Nhân dịp này, PetroTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long để làm rõ hơn ý nghĩa và định hướng phát triển của Petrovietnam trong giai đoạn mới.

PV: Sau gần 50 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức chuyển đổi định danh thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nhận định việc này thế nào?

PGS.TS Ngô Trí Long: Việc chính thức được định danh là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam sau 50 năm xây dựng và phát triển là một dấu mốc mang tính bước ngoặt, thể hiện sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với vai trò chiến lược của Petrovietnam trong nền kinh tế quốc dân. Dưới góc nhìn của tôi, có thể nói việc chuyển đổi định danh này thể hiện một số khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, khẳng định vai trò trụ cột trong an ninh năng lượng quốc gia. Việc định danh Petrovietnam là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam không chỉ là một danh xưng mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện vai trò then chốt của Tập đoàn trong bảo đảm an ninh năng lượng, từ khai thác dầu khí, chế biến, phân phối, đến phát triển năng lượng tái tạo - tất cả đều gắn với chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Thứ hai, thể hiện tầm vóc và năng lực hội nhập quốc tế. Sau nửa thế kỷ phát triển, Petrovietnam không chỉ khẳng định được năng lực nội tại, còn từng bước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thông qua các dự án khai thác dầu khí ở nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào nền kinh tế thông qua xuất khẩu, thu hút đầu tư và hợp tác công nghệ.

Thứ ba, mở đường cho một mô hình tập đoàn đa ngành theo hướng tích hợp công nghiệp - năng lượng - dịch vụ. Định danh này mở ra không gian thể chế thuận lợi hơn để Petrovietnam phát triển theo mô hình tích hợp giữa năng lượng truyền thống và năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, hydrogen xanh...), hướng tới nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh.

Thứ tư, động lực lan tỏa trong công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Với vai trò đầu tàu, Petrovietnam có thể dẫn dắt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nội địa nâng cao năng lực công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng, từ đó góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng của Việt Nam có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Thứ năm, thể chế hóa mục tiêu phát triển tầm quốc gia. Việc định danh không chỉ là một sự ghi nhận, mà còn là cam kết thể chế hóa, yêu cầu Petrovietnam tiếp tục đổi mới quản trị, minh bạch, hiệu quả và bền vững. Đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định, yêu cầu các tập đoàn nhà nước chủ lực phải gánh vác sứ mệnh chiến lược lớn hơn.

PV: Petrovietnam cần thay đổi hoặc bổ sung gì về mô hình quản trị, chiến lược đầu tư, để phát triển theo mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia toàn diện, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Theo tôi, để phát triển theo mô hình mới của tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, Petrovietnam cần có những điều chỉnh sâu rộng và mang tính chiến lược về mô hình quản trị, định hướng đầu tư, cũng như năng lực thể chế như:

Thứ nhất, cải cách mô hình quản trị theo chuẩn tập đoàn hiện đại. Tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng sản xuất - kinh doanh: Petrovietnam cần vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng chiến lược vĩ mô, tránh can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp. Xây dựng mô hình quản trị tập đoàn mẹ - công ty con theo chuẩn quốc tế. Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính và pháp lý của các đơn vị thành viên, đồng thời nâng cao vai trò điều phối, kiểm soát chiến lược của công ty mẹ. Ứng dụng quản trị số và quản trị rủi ro tiên tiến, triển khai hệ thống ERP tích hợp, quản trị rủi ro toàn diện (ERM), kiểm soát nội bộ minh bạch để nâng cao hiệu quả vận hành và năng lực phản ứng với biến động thị trường.

Thứ hai, đổi mới chiến lược đầu tư theo hướng tích hợp - bền vững. Định hướng trở thành tập đoàn năng lượng đa ngành: Không chỉ tập trung vào lĩnh vực dầu khí truyền thống, Petrovietnam cần mở rộng mạnh mẽ sang điện khí, năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời nổi, hydro xanh), dịch vụ năng lượng và công nghệ carbon thấp. Cùng với đó, ưu tiên đầu tư vào công nghệ cao và chuỗi giá trị sâu. Đẩy mạnh các dự án lọc - hóa dầu, vật liệu mới từ dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, để tạo giá trị gia tăng lớn hơn. Tối ưu hóa danh mục đầu tư theo hướng tập trung chiến lược, loại bỏ các khoản đầu tư ngoài ngành, đầu tư kém hiệu quả, đồng thời huy động vốn xã hội hóa qua thị trường tài chính để giảm gánh nặng lên ngân sách nhà nước.

Thứ ba, phát triển nguồn lực và năng lực cạnh tranh quốc tế. Thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao: Xây dựng chính sách lương thưởng, đào tạo và lộ trình nghề nghiệp cạnh tranh toàn cầu để phát triển đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ - tài chính - năng lượng. Xây dựng năng lực hội nhập và mở rộng thị trường quốc tế: Tăng cường hiện diện tại các thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ. Hợp tác chiến lược với các tập đoàn quốc tế: Thúc đẩy liên doanh, liên kết với các tên tuổi lớn trong ngành năng lượng để học hỏi công nghệ, quản trị và mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Thứ tư, khẳng định vai trò nòng cốt trong an ninh năng lượng quốc gia. Bảo đảm phát triển năng lượng hài hòa với mục tiêu giảm phát thải: Petrovietnam phải đi đầu trong việc áp dụng công nghệ sạch, giảm phát thải carbon, hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tham gia chủ động vào quy hoạch năng lượng quốc gia: Không chỉ là nhà sản xuất, Petrovietnam cần đóng vai trò tư vấn chính sách, cung cấp dữ liệu và dự báo thị trường để giúp Chính phủ hoạch định chiến lược năng lượng dài hạn. Giữ vững vị trí trụ cột trong vùng biển chủ quyền quốc gia: Thông qua hoạt động thăm dò, khai thác và phát triển hạ tầng năng lượng ngoài khơi, Petrovietnam vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần củng cố chủ quyền quốc gia trên biển.

Tóm lại, Petrovietnam đang đứng trước thời điểm quyết định. Để trở thành một tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia toàn diện, hiện đại, hội nhập, Tập đoàn cần chuyển đổi mô hình quản trị theo thông lệ tốt nhất toàn cầu, định hướng đầu tư mang tính tích hợp - dài hạn, đồng thời xây dựng năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo ở tầm khu vực và quốc tế. Đây không chỉ là yêu cầu phát triển nội tại, mà còn là trách nhiệm chiến lược đối với an ninh năng lượng và sự phát triển bền vững của đất nước.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam

PV: Ông có thể chia sẻ quan điểm về những cơ hội và thách thức đặt ra cho Petrovietnam trong quá trình hiện thực hóa vai trò mới theo định danh này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tôi cho rằng, quá trình hiện thực hóa vai trò mới theo định danh Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam đặt ra nhiều cơ hội song hành cùng những thách thức mang tính chiến lược và dài hạn. Cụ thể như:

Cơ hội lớn từ xu thế chuyển dịch năng lượng và yêu cầu tự chủ năng lượng quốc gia. Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ nhằm hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam có cơ hội trở thành lực lượng nòng cốt dẫn dắt quá trình chuyển dịch này, từ chỗ chủ yếu khai thác dầu khí chuyển sang phát triển đồng bộ các lĩnh vực năng lượng như khí, điện, năng lượng tái tạo và hydrogen. Đây là cơ hội để khẳng định vai trò “xương sống” trong đảm bảo an ninh năng lượng, từ đó nâng cao vị thế và đóng góp chiến lược cho nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, với uy tín, năng lực tích lũy qua gần 50 năm phát triển, Petrovietnam đang có lợi thế trong việc mở rộng hợp tác với các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới, thu hút công nghệ cao, vốn và kinh nghiệm quản trị hiện đại. Trong vai trò mới, Petrovietnam có thể chủ động tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tạo nguồn thu ngoại tệ và lan tỏa năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, Petrovietnam cũng sẽ gặp nhiều thách thức từ yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc mở rộng chức năng từ một tập đoàn dầu khí đơn ngành sang mô hình công nghiệp - năng lượng tích hợp đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về chiến lược phát triển, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành và năng lực quản trị. Trong khi đó, thị trường năng lượng toàn cầu đang biến động mạnh, giá dầu khí tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi Petrovietnam phải tái cơ cấu linh hoạt và ứng dụng công nghệ số sâu rộng để tăng hiệu suất và giảm chi phí. Bên cạnh đó, dù được định danh với vai trò mới, Petrovietnam vẫn chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và quy định còn chồng chéo giữa doanh nghiệp nhà nước và thị trường cạnh tranh. Cơ chế quản trị chưa thực sự trao quyền tự chủ đủ mức cho doanh nghiệp hoạt động như một tập đoàn kinh tế mạnh, dẫn đến hạn chế khả năng ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Do vậy, để thực hiện thành công vai trò mới, Petrovietnam cần xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập toàn cầu. Đồng thời, văn hóa doanh nghiệp phải chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị theo chuẩn quốc tế, lấy hiệu quả, sáng tạo và minh bạch làm nền tảng.

Có thể nói, định danh “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” không chỉ là một tên gọi mới, còn là một sứ mệnh phát triển mới của Petrovietnam. Để hiện thực hóa vai trò đó, Petrovietnam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực nội tại, cải cách thể chế, đồng thời tranh thủ được các cơ hội hợp tác quốc tế và chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là thời điểm bản lề để Petrovietnam định hình lại vai trò của mình trong chiến lược phát triển kinh tế - năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Tưởng (thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tap-doan-cong-nghiep-nang-luong-quoc-gia-viet-nam-khang-dinh-vai-tro-xuong-song-trong-dam-bao-an-ninh-nang-luong-727112.html