Tập trung kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2023

Hiện chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành của tỉnh đang tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp cuối năm và dịp Tết, tích cực kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kiểm soát ATTP, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Cùng Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của tỉnh, do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Ninh Bình nhận thấy, hầu hết các cơ sở đã cơ bản thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với từng mặt hàng, sản phẩm được phép đăng ký, sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật ATTP.

Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở sản xuất giò, chả Vinh Hoa, đường Lương Văn Tụy, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) cho biết: Cơ sở sản xuất giò, chả Vinh Hoa sản xuất các mặt hàng này đã được 27 năm. Hiện nay, cơ sở tập trung sản xuất các sản phẩm giò, chả thịt lợn, giò bò, chả cốm, nem chua... với số lượng mỗi ngày vài chục kg. Vào dịp cao điểm cuối năm, giáp Tết, có nhiều gia đình tổ chức cưới hỏi, giỗ chạp đặt hàng, có ngày cơ sở sản xuất hàng tạ giò, chả, nem... Thị trường sản phẩm của cơ sở không chỉ ở trong tỉnh, mà còn được mua làm quà đến nhiều tỉnh, thành phố trong nước và cả ra nước ngoài.

"Để đảm bảo về chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sử dụng sản phẩm lâu dài, cơ sở rất chú ý đến vấn đề ATTP. Như nguyên liệu thực phẩm được chọn đặt tại nơi cung cấp có chứng nhận đảm bảo ATTP. Phụ gia chế biến được nhập với đầy đủ thủ tục, giấy tờ, hóa đơn của các nhãn hàng đã được đăng ký chất lượng và công bố sản phẩm theo quy định của ngành Y tế, Công Thương... Trong quá trình chế biến, bảo quản, sản xuất, cơ sở cũng thực hiện nghiêm các bước theo quy trình, quy định. Đặc biệt, cơ sở đầu tư hệ thống các tủ ôn, tủ lạnh có công suất lớn, đủ nhiệt độ bảo quản thực phẩm, trang thiết bị sản xuất sử dụng bằng inox để đảm bảo sạch sẽ, an toàn..." - ông Vinh chia sẻ.

Hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình có gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong các trường học, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... Cùng với đó là trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng công nghệ thực phẩm như bánh ngọt, bánh kẹo, nấu rượu thủ công... Trong đó hầu hết các cơ sở này do thành phố và các phường, xã quản lý.

Đồng chí Trần Thanh Chung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Trong năm 2022, thành phố Ninh Bình đã tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý, theo dõi về công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, những vi phạm lớn về ATTP. Đối với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đợt 1, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP thành phố tổ chức ra quân triển khai kiểm tra tại các cơ sở từ ngày 27/12/2022 đến ngày 26/1/2023.

Lấy mẫu xét nghiệm nhanh mặt hàng giò, chả tại một cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

Ông Lê Hồng Sinh, Chi cục trưởng Chi cục nông lâm thủy sản tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 3 của tỉnh cho biết: Để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh, tiến hành kiểm tra tại 8 huyện, thành phố.

Trong đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh được giao chủ trì thực hiện kiểm tra tại thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô. Qua kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn 2 địa phương, Đoàn kiểm tra đánh giá bước đầu, các cơ sở đều có đủ các loại giấy tờ về chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký; chứng nhận sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất; các điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, về xuất xứ, nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa...

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, một số cơ sở vẫn còn để xảy ra các lỗi vi phạm. Như tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, còn tình trạng sản phẩm hàng hóa để lẫn lộn, không phân loại cụ thể từng mặt hàng, dẫn đến quá hạn sử dụng. Tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, còn tình trạng người sản xuất và chế biến, trực tiếp phục vụ ăn uống chưa được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, nhiều cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh nơi sản xuất, bảo quản nguyên liệu, sản phẩm chế biến, trang thiết bị không được vệ sinh sạch sẽ...

Những lỗi vi phạm nhẹ, được đoàn nhắc nhở, yêu cầu cơ sở khắc phục ngay. Đối với các lỗi vi phạm về sản phẩm quá hạn, không có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, Đoàn yêu cầu lập biên bản xử lý, thu hồi, tiêu hủy và thực hiện xử lý phạt tiền theo quy định. Bước đầu, Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 của tỉnh đã thực hiện xử phạt gần chục triệu đồng đối với một số cơ sở vi phạm về nhãn mác, quá hạn sử dụng sản phẩm...

Trong dịp này, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh gồm: Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì, tiến hành kiểm tra tại huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn và thành phố Tam Điệp. Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Thanh tra Sở Công Thương chủ trì, tiến hành kiểm tra tại huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư. Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ trì, kiểm tra tại thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô. Đồng thời, tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, tuyến xã.

Việc tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành nhân dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa Xuân 2023 nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ, đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Qua đó chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm; kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong thời điểm tiêu thụ nhiều thực phẩm nhất trong năm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ việc ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tap-trung-kiem-tra-dam-bao-an-toan-thuc-pham-dip-tet-nguyen/d20230103174136900.htm