Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới, nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giảm dần sự chênh lệch giữa các vùng, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tập trung nguồn lực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định “Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số và quy hoạch sân bay gắn với liên kết vùng và liên kết vùng) nhằm sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng đảm bảo theo hướng đồng bộ, hiện đại” là 1 trong 3 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Theo đó, ngày 11/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện.

Để đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trọng điểm là dự án đầu tư xây dựng 121,06 km cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đi qua địa phận 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Dự án khởi công từ ngày 1/1/2024, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương tiếp giáp với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Thành phố là công trình giao thông quan trọng nhằm kết nối, nâng cao năng lực khai thác và giảm thiểu lưu lượng phương tiện qua trung tâm đô thị.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Thành phố là công trình giao thông quan trọng nhằm kết nối, nâng cao năng lực khai thác và giảm thiểu lưu lượng phương tiện qua trung tâm đô thị.

Thời gian qua, 2 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng thống nhất kiến nghị Trung ương đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có chiều dài khoảng 90 km và hoàn thành trước năm 2030 (đoạn tuyến qua tỉnh Bắc Kạn 60 km, qua tỉnh Cao Bằng 30 km) sẽ kết nối Bắc Kạn với Cao Bằng và các cửa khẩu của Trung Quốc. Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng khi được triển khai sẽ liên kết với các tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc tương đối hoàn chỉnh trong khu vực, kết nối vùng Trung du, miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội và các cảng biển phía Bắc, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trong khu vực.

Hiện, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công các dự án như: đầu tư trên 221 tỷ đồng thực hiện Dự án tuyến tránh Thành phố và 60 tỷ đồng thực hiện Dự án đường nội thị thị trấn Đông Khê (dự kiến hoàn thành trong năm 2024); 200 tỷ đồng thực hiện tuyến tránh thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng); 200 tỷ đồng thực hiện tuyến tránh thị trấn Quảng Uyên (Quảng Hòa) (dự kiến hoàn thành năm 2025); gần 197 tỷ đồng thực hiện tuyến tránh thị trấn Nước Hai (Hòa An) (dự kiến hoàn thành năm 2026)... Khi các dự án triển khai hoàn thành, góp phần tăng cường khả năng lưu thông, khắc phục tình trạng trục chính đô thị đi chung với quốc lộ, tỉnh lộ, góp phần đồng bộ hệ thống giao thông đô thị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Khó khăn và giải pháp

Toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó, 1 đô thị loại III (Thành phố), 14 đô thị loại V (các thị trấn thuộc 9 huyện). Nhìn chung, các đô thị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, mật độ tập trung dân số chưa cao, khả năng cân đối thu chi ngân sách nhiều đô thị chưa đảm bảo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả nước. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết toàn tỉnh đạt trên 10%. Hệ thống giao thông đô thị chưa đồng bộ, các trục chính đô thị vẫn đi chung với quốc lộ, tỉnh lộ, tỷ lệ giao thông đô thị, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch đô thị còn thấp; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị chưa được đầu tư; việc triển khai thực hiện các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở các đô thị còn nhiều vướng mắc.

Theo Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 29/7/2021 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường; ít nhất 85% đường ngõ xóm được cứng hóa, tạo điều kiện phát triển nông thôn bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về nguồn lực đầu tư để triển khai các dự án phát triển hạ tầng; nhu cầu đầu tư lớn, tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp, trong khi đó, công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai, đặc biệt là các quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án; trình tự, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án nói chung; một số quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng bất cập, chưa tạo được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân...

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra thực địa địa điểm thực hiện Dự án Trụ sở làm việc HĐND - UBND - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra thực địa địa điểm thực hiện Dự án Trụ sở làm việc HĐND - UBND - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh để đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho Cao Bằng thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và Dự án Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng; rà soát, điều chỉnh bổ sung danh mục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa nhằm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng.

Đề xuất với bộ, ngành Trung ương về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như tỉnh Cao Bằng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa các chủ đầu tư với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tổ chức thực hiện các đề án, dự án đầu tư để đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm nếu có nhằm phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn để Cao Bằng bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Thanh Huyền

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-nguon-luc-dau-tu-phat-trien-he-thong-ket-cau-ha-tang-theo-huong-hien-dai-3169643.html