Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực
Ngày 4-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng của năm 2023; triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…
Duy trì đà “tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá tình hình, nêu rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; giải pháp trọng tâm, đột phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Kết luận phiên họp, cơ bản nhất trí với các ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng cho biết, trong tháng 10, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội; ban hành các văn bản chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị tốt nhất các nội dung, nhiệm vụ phục vụ Hội nghị Trung ương 8, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đáng chú ý, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực trên nhiều lĩnh vực, cơ bản đạt các mục tiêu tổng quát, duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; lạm phát vẫn chịu nhiều sức ép; thu ngân sách Nhà nước giảm so cùng kỳ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nhiều cơ quan, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình… Từ bài học kinh nghiệm, dự báo, phân tích tình hình, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nội dung trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và thời gian còn lại của năm.
Thúc đẩy động lực tăng trưởng và các ngành, lĩnh vực chủ yếu
Để thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước. Đồng thời có các giải pháp đột phá, tạo thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, trong đó đẩy mạnh thu hút FDI có chọn lọc, quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen. Mặt khác, các cơ quan cần quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sẵn sàng thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Cùng với đó là thúc đẩy xuất khẩu, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới; kịp thời thông tin về thị trường, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là tại các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại các thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...
Đối với tiêu dùng, Thủ tướng đề nghị khai thác hiệu quả thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm vi phạm.
Về công nghiệp cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo. Đẩy nhanh tiến độ dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu); khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) để gỡ thẻ vàng của EU.
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao như vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng…; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh xúc tiến du lịch thị trường trọng điểm.
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch. Mục tiêu đến cuối năm giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2023; hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, phấn đấu cơ bản phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023.
Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tích cực phục hồi, phát triển các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Cần khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 08 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Các đơn vị kịp thời, chủ động báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tiếp tục ổn định và phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện nghiêm, quyết liệt giải pháp tại các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, các bên liên quan tập trung rà soát quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai của doanh nghiệp; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành.
Các cấp, ngành phải làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; chủ động phòng chống thiên tai; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và tăng cường thông tin, tuyên truyền…
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành. Trong đó, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai, khoáng sản; khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và thúc đẩy hoàn thiện các dự án xây dựng các cơ sở y tế lớn đã kéo dài nhiều năm; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các vấn đề liên quan sách giáo khoa.
Thủ tướng chỉ đạo cụ thể bộ, ngành triển khai biện pháp sớm khôi phục sản xuất và khắc phục hiệu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch, nhất là mùa cao điểm cuối năm, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu 13 triệu khách quốc tế năm 2023; tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, hình thành, phát triển sàn giao dịch công nghệ; tổ chức cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là liên quan đến “tín dụng đen”, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên các địa bàn trọng điểm, bảo đảm an ninh, trật tự…
Thủ tướng kêu gọi các bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm; tập trung giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm các công việc có hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu năm 2023...