Tất bật 'hồi sinh' cây đào sau Tết

Sau Tết, đào giống được trồng, đào cắt cành được tái sinh, những gốc đào mang đi để tô điểm mùa xuân cho mọi nhà cũng được thu về để trồng và chăm sóc.

Người dân vun xới gốc đào đã cắt cành

Người dân vun xới gốc đào đã cắt cành

Những ngày này, trên các khu đồng ven đô ở TP Hải Dương, người dân hối hả vào vụ đào mới.

Có kinh nghiệm trồng đào hơn 20 năm, bà Trần Thị Thau ở phường Hải Tân cho biết năm nào cũng vậy, cứ từ mùng 7 Tết trở ra, không chỉ nhà bà mà các hộ trồng đào khác lại rục rịch chuẩn bị bước vào vụ mới. Năm nay, trời rét kéo dài lại kèm mưa phùn, người trồng đào tuy vất vả hơn nhưng rất phù hợp để trồng cây mới và dưỡng cây. Nhà bà Thau chỉ chuyên về đào cành nên bà chọn ngày có mưa bay lất phất để vun xới gốc. “Sau khi bán cành thì gốc đào vẫn có thể phát triển nếu như được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật. Vì rét dài ngày nên gốc chưa nhú chồi, khi trời hảnh lên sẽ bật lộc. Riêng với cây đào, mầm càng được ủ lâu thì về sau càng đẹp”, bà Thau nói.

Những gốc đào lâu năm ở vườn nhà ông Vũ Duy Đạt ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên được cắt tỉa gọn gàng

Những gốc đào lâu năm ở vườn nhà ông Vũ Duy Đạt ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên được cắt tỉa gọn gàng

Vườn đào của ông Vũ Duy Đạt ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi những gốc đào thế có tuổi đời vài chục năm. Để có những thế đào đẹp, ông Đạt phải chăm sóc rất kỳ công. Mỗi độ tuổi, mỗi thời điểm của cây đều phải có bí quyết chăm sóc riêng, bảo đảm cho cây phát triển tốt. Khách của ông Đạt mua cây không nhiều mà chủ yếu thuê để chơi trong mấy ngày Tết. Các khâu đánh cây, vận chuyển rồi lại thu gom, trồng lại diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng nên nếu không cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, tuổi thọ của cây. Theo ông Đạt, để có gốc đào đẹp, ưng mắt, chỉ trưng trong mấy ngày Tết nhưng người trồng đào phải công phu, tỉ mỉ hàng năm, thậm chí là hàng chục năm. Khi rời vườn, cây không được chăm sóc tốt. Vì thế, việc trồng lại và dưỡng cây sau Tết sẽ quyết định tới chất lượng cây về sau. Ngoài những gốc đào được khách hàng để mắt, đặt thuê mang đi rồi mang về thì những cây vẫn ở vườn trong suốt dịp Tết cũng cần được cắt tỉa, chăm sóc chu đáo.

Cây đào có tuổi từ 1-3 năm cũng được đảo gốc trong dịp này

Cây đào có tuổi từ 1-3 năm cũng được đảo gốc trong dịp này

Không chỉ “hồi sinh” những gốc đào mà đầu xuân cũng là thời điểm để các hộ trồng đào xuống giống mới. Đào mạ được người dân lựa chọn ghép vào cành khỏe mạnh nhằm tăng sự bền bỉ, dẻo dai cho cây được trồng vào những ngày có mưa xuân, bảo đảm tỷ lệ sống cao. Những cây đào có tuổi từ 1-3 năm cũng được đảo gốc. Cách làm này vừa hạn chế cây phát triển rễ, giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tránh cho đất bạc màu, vừa luyện cây thích nghi với nhiều điều kiện khác nhau. Ông Hồ Văn Toạn ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên cho biết Tết vừa qua, dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đào tiêu thụ thuận lợi, có lãi nên người trồng rất phấn khởi. Vì thế, ngay từ đầu xuân sớm, người dân đã ra đồng, tất bật trồng và chăm sóc đào.

Ông Hồ Văn Toạn ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên xuống giống đào mới

Ông Hồ Văn Toạn ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên xuống giống đào mới

TP Hải Dương có hơn 230 ha đào, là địa phương có diện tích trồng đào lớn và tập trung nhất tỉnh. Vụ đào mới lại bắt đầu với sự ủng hộ của tiết trời xuân và sự khéo léo, dày dặn kinh nghiệm của người trồng. Dù là đầu vụ nhưng người dân rất chuyên tâm, cẩn thận với hy vọng về một vụ đào thắng lợi.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/tat-bat-hoi-sinh-dao-sau-tet-195610