Tàu biển cỡ nhỏ đạt quy chuẩn mới được hoạt động cách bờ quá 20 hải lý
Từ 1/9/2025, tàu biển có chiều dài mạn khô dưới 24 m và không chở quá 12 khách nếu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật mới được hoạt động cách bờ quá 20 hải lý.
![Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và đóng tàu biển cỡ nhỏ (QCVN 03 : 2025/BGTVT) có hiệu lực thi hành từ 1/9/2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_314_51456991/64eaea4edd00345e6d11.jpg)
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và đóng tàu biển cỡ nhỏ (QCVN 03 : 2025/BGTVT) có hiệu lực thi hành từ 1/9/2025
Cục Đăng kiểm VN cho biết, ngày 11/2, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 08/2025/TT - BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và đóng tàu biển cỡ nhỏ (Quy chuẩn QCVN 03 : 2025/BGTVT). Quy chuẩn mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2025, thay thế QCVN 03 : 2016/BGTVT.
QCVN 03 : 2025/BGTVT quy định về kiểm tra và các hoạt động liên quan đến thiết kế, đóng mới, hoán cải, sửa chữa và khai thác các tàu biển cỡ nhỏ và có nhiều điểm mới đáng chú ý so với quy chuẩn trước đây (QCVN 03 : 2016/BGTVT).
Theo đó, phạm vi áp dụng của quy chuẩn trước đây là tàu biển (tự chạy hoặc không tự chạy) hoạt động vùng ven biển cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý và có một trong các thông số kỹ thuật: Tàu tự chạy có chiều dài dưới 20 m và tổng công suất máy chính dưới 75 kW; Tàu không tự chạy có tổng dung tích dưới 50 GT hoặc có trọng tải dưới 100 tấn hoặc có chiều dài đường nước thiết kế dưới 20 m.
Còn phạm vi áp dụng của quy chuẩn mới là tàu có chiều dài mạn nhỏ hơn 24 m và không chở quá 12 khách (không áp dụng với các tàu: Chở dầu, chở xô khí hóa lỏng, chở xô hóa chất nguy hiểm; các tàu kéo, đẩy, tàu cá, tàu quân sự, du thuyền hoặc các tàu phục vụ thể thao, giải trí khác không tham gia hoạt động thương mại). Tàu thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên, nếu được kiểm tra và chứng nhận phù hợp với các quy định của quy chuẩn thì không cần phải áp dụng các quy định của quy chuẩn đóng tàu biển vỏ thép, tàu biển cao tốc).
Về phạm vi vùng nước hoạt động của tàu, quy chuẩn trước đây hạn chế vùng hoạt động của phương tiện cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 20 hải lý, còn quy chuẩn mới phân vùng hoạt động theo mức độ an toàn kỹ thuật của phương tiện, nên có phương tiện có thể được hoạt động cách bờ quá 20 hải lý, thậm chí không bị hạn chế vùng hoạt động.
Cụ thể, tùy thuộc vào thiết kế và trang bị, điều kiện sóng biển, tàu biển cỡ nhỏ có thể được xem xét để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật để hoạt động ở một trong 7 vùng: Trong phạm vi 3 hải lý tính từ điểm xuất phát được chỉ định và không bao giờ cách bờ quá 3 hải lý, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, chiều cao sóng đáng kể không quá 2 m và vào ban ngày; Trong phạm vi 20 hải lý tính từ điểm xuất phát được chỉ định, với điều kiện thời tiết thuận lợi, chiều cao sóng đáng kể không quá 2 m và vào ban ngày; Cách nơi trú ẩn an toàn đến 20 hải lý, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, chiều cao sóng đáng kể không quá 2 m và vào ban ngày; Cách nơi trú ẩn an toàn đến 20 hải lý và chiều cao sóng đáng kể không quá 4 m; Cách nơi trú ẩn an toàn đến 60 hải lý và chiều cao sóng đáng kể không quá 4 m; Cách nơi trú ẩn an toàn đến 150 hải lý; Không hạn chế vùng hoạt động.
Tuy vậy, để quản lý an toàn kỹ thuật tàu biển cỡ nhỏ trong quá trình hoạt động, vùng hoạt động và điểm xuất phát của tàu biển cỡ nhỏ được chỉ định (nếu có) trên phải được ghi vào Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tàu biển cỡ nhỏ hoặc Giấy chứng nhận phân cấp.
Cũng theo quy chuẩn trên, tàu biển cỡ nhỏ khi được đơn vị đăng kiểm kiểm tra kỹ thuật lần đầu trong đóng mới phải kiểm tra chi tiết thân tàu và trang thiết bị, ổn định, mạn khô, hệ thống máy tàu, trang bị điện, trang bị phòng, phát hiện và chữa cháy, phương tiện thoát nạn để đảm bảo rằng tất cả các mục trên đều phù hợp với các yêu cầu tương ứng của quy chuẩn. Trong quá trình khai thác, tàu phải được đơn vị đăng kiểm thực hiện kiểm tra duy trì tình trạng kỹ thuật của tàu, bao gồm các đợt kiểm tra chu kỳ (kiểm tra hàng năm, trên đà, định kỳ) và kiểm tra bất thường.
Trong đó, kiểm tra bất thường chỉ áp dụng đối với tàu bị tai nạn, sau khi sửa chữa do tai nạn, sau khi có thay thế hoặc trang bị lại, sau khi khắc phục các khiếm khuyết, khi đổi tên tàu, đổi chủ tàu hoặc trong những trường hợp khác theo đề nghị của chủ tàu.
Theo quy chuẩn, Cục Đăng kiểm VN có trách nhiệm: Thẩm định thiết kế đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển cỡ nhỏ theo các quy định của quy chuẩn và các quy định hiện hành liên quan khác của Việt Nam; Duyệt các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật theo quy định của quy chuẩn trên.