Tàu ngầm không người lái BlueWhale: Yếu tố thay đổi cuộc chơi
Với khả năng giám sát tiên tiến và khả năng tự chủ hoạt động trong thời gian dài, tàu ngầm không người lái BlueWhale có thể là một phương tiện 'lợi hại' để canh gác và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển.
Hải quân Đức (Deutsche Marine) gần đây đã kết thúc đợt đánh giá kéo dài 2 tuần đối với tàu ngầm không người lái BlueWhale – một hệ thống tiên tiến do Tập đoàn hàng không vũ trụ Israel Aerospace Industries (IAI) hàng đầu của Israel phát triển.
Đợt đánh giá được tiến hành tại Biển Baltic với phương tiện tự hành dưới nước (AUV) nặng 5,5 tấn được trang bị cột buồm ống lồng với hệ thống radar và quang điện tiên tiến.
Chiếc AUV có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trong nhiều tuần, xác định mục tiêu trên biển và trên đất liền, và truyền dữ liệu đến các sở chỉ huy trên toàn thế giới.
Hải quân Đức đã hợp tác với IAI và Atlas Elektronik để tiến hành các cuộc thử nghiệm, và Trung tâm Chuyên môn của NATO về Hoạt động ở vùng nước nông và hạn chế đã hỗ trợ việc tích hợp tàu ngầm không người lái BlueWhale vào các lực lượng của Đức.
Cuộc thử nghiệm diễn ra sau khi các tuyến cáp quang biển ở Biển Baltic bị cắt đứt vào ngày 8/11, làm gián đoạn liên lạc giữa Phần Lan, Đức, Litva và Thụy Điển. Các sự cố này đã làm dấy lên mối lo ngại và Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius gọi đó là hành động "phá hoại".
Thực ra ngay cả trước vụ việc ở Biển Baltic, tàu ngầm không người lái BlueWhale của Israel đã giúp củng cố các mục tiêu của Hải quân Đức.
Với khả năng giám sát tiên tiến và khả năng tự chủ hoạt động trong thời gian dài, tàu ngầm không người lái này có thể là một phương tiện "lợi hại" để giám sát và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển.
Ngoài khả năng thu thập thông tin tình báo trên mặt biển, hệ thống BlueWhale còn vượt trội trong việc phát hiện các tàu ngầm và mục tiêu khác dưới nước, thu thập thông tin tình báo âm thanh, tìm kiếm và phát hiện thủy lôi trên đáy biển, sử dụng hệ thống sonar tiên tiến của mình.
"Chúng ta đang đối mặt với một kỷ nguyên mới trong đó tàu ngầm không người lái sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi và khả năng hoạt động – giống như những thay đổi do máy bay không người lái (UAV/drone) mang lại", Chủ tịch kiêm CEO IAI, Boaz Levy, cho biết trong một tuyên bố.
"Một tàu ngầm tự hành có thể thực hiện một phần đáng kể các nhiệm vụ của tàu ngầm có người lái, mà không cần người vận hành trên tàu, trong tối đa vài tuần".
"BlueWhale cũng là một phần quan trọng trong phạm vi các giải pháp hàng hải của IAI, bao gồm bảo vệ các khu đặc quyền kinh tế, bộ hệ thống phòng thủ và tấn công cho tàu biển và quản lý khu vực mà các tàu tự hành đang hoạt động", ông Levy nói.
Các cuộc thử nghiệm với BlueWhale cũng làm nổi bật mối quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược ngày càng phát triển giữa Israel và Đức nhằm giải quyết các thách thức an ninh chung.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã trở thành chất xúc tác cho sự gia tăng trong chi tiêu quân sự của Đức, dẫn đến những cải cách và vai trò chủ động hơn của Berlin trong việc bảo vệ châu Âu và hỗ trợ cho NATO.
Kể từ đó, chính sách quốc phòng của Đức đã thay đổi đáng kể. Quốc gia Tây Âu đã lên kế hoạch hiện đại hóa lực lượng của mình và đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO là 2% GDP.
Các chiến lược quốc phòng được cập nhật của nước này, được nêu trong "Mục tiêu của Hải quân Đức cho năm 2035 và xa hơn", lý giải rằng với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Biển Baltic phải được tích hợp vào an ninh hàng hải của NATO, có tính đến khả năng xung đột với Nga.
Minh Đức (Theo YNet News, Naval News)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan