Tàu ngầm Mỹ USS Connecticut rời đảo Guam sau hơn 1 tháng gặp nạn ở Biển Đông
Tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ đã rời khỏi đảo Guam sau hơn một tháng sửa chữa và đánh giá thiệt hại tại đây, sau khi va phải núi ngầm tại Biển Đông.
Trang USNI News của Viện Hải quân Mỹ dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ ngày 18-11 xác nhận tàu ngầm USS Connecticut đã rời khỏi đảo Guam sau hơn một tháng sửa chữa và đánh giá thiệt hại tại đây.
USS Connecticut hôm 2-10 đã gặp nạn khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Hải quân Mỹ sau đó xác nhận tàu ngầm đã va phải một núi ngầm ở khu vực.
Theo USNI News, tín hiệu nhận dạng tự động (AIS) cho thấy USS Connecticut đã rời bến ở cảng Apra và rời Guam tối 18-11 (giờ địa phương). Hai quan chức quốc phòng Mỹ đã xác nhận diễn biến này.
Trung tá Cindy Fields - người phát ngôn lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ - hôm 18-11 không bình luận về lí do tàu ngầm này ra khơi.
Thay vào đó, người phát ngôn cho biết USS Connecticut “đã được đánh giá thiệt hại, sửa chữa và thử nghiệm ở Guam và vẫn trong tình trạng an toàn và ổn định”.
Theo trang The Drive, một khả năng chắc chắn liên quan việc USS Connecticut rời đảo Guam là nhằm xác định liệu tàu ngầm này có thể tự di chuyển đến một căn cứ khác hay không.
Điều này sẽ phù hợp với phát ngôn của bà Fields rằng hải quân vẫn đang đánh giá thiệt hại đối với tàu ngầm, nhưng họ cũng đã thực hiện "sửa chữa" và "thử nghiệm" trên con tàu.
Sau tai nạn tại Biển Đông hôm 2-10, USS Connecticut đã đến Guam để sửa chữa ban đầu dưới sự giám sát của Bộ chỉ huy Hệ thống hàng hải của Hải quân Mỹ, các nhân viên từ nhà máy đóng tàu Puget Sound và tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Emory S. Land (AS-39).
Theo USNI News, thiệt hại đối với tàu ngầm này tập trung vào các phần phía trước, nhất là bộ phận bể dằn. Hải quân Mỹ nhiều lần cho biết lò phản ứng hạt nhân và hệ thống đẩy của tàu không bị hư hại.
Nếu thiệt hại đối với USS Connecticut đáng kể như các báo cáo phản ánh, tàu ngầm này sẽ cần được đưa vào ụ tàu vào một thời điểm nào đó, The Drive nhận định.
Cảng Apra tại Guam không có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng mức độ bảo trì trên. Hải quân Mỹ trước đó cho biết có kế hoạch sửa chữa tàu USS Connecticut tại thành phố Bremerton, tiểu bang Washington.
Nếu tàu ngầm này không thể vận hành an toàn trên biển, Hải quân Mỹ sẽ phải thuê một công ty sử dụng tàu nâng hạng nặng để đưa con tàu ra khỏi đảo Guam.
Diễn biến trên đến trong bối cảnh Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Mỹ William Houston hôm 17-11 yêu cầu lực lượng tàu ngầm ôn luyện kĩ năng định vị, rút kinh nghiệm từ sự cố tàu USS Connecticut đâm núi ngầm tại Biển Đông, sự cố vốn đã có thể phòng tránh được.
“Chúng tôi có các quy trình an toàn điều hướng rất nghiêm ngặt và họ (lính tàu ngầm) không đạt được tiêu chuẩn của chúng tôi” – ông Houston nói.
Hồi đầu tháng, Phó đô đốc Karl Thomas - Tư lệnh Hạm đội 7 – đã quyết định cho thôi việc sĩ quan chỉ huy tàu ngầm là ông Cameron Aljilani cùng hai sĩ quan khác là Patrick Cashin và Cory Rodgers vì “mất lòng tin”.
Theo USNI News, vấn đề hiện tại mà Hải quân Mỹ cần làm là giải quyết việc khôi phục USS Connecticut, giữa lo ngại về việc gây thêm quá tải cho các nhà máy đóng tàu.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 28-10, ông Jay Stefany - quyền thứ trưởng Hải quân Mỹ phụ trách nghiên cứu, phát triển và mua sắm – cho biết: "Sửa chữa tàu ngầm USS Connecticut ở một trong các nhà máy thuộc sở hữu chính phủ sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn, gián đoạn toàn bộ công việc tại những cơ sở này".
Hải quân Mỹ sở hữu bốn nhà máy đóng tàu, tất cả đều không đáp ứng được nhu cầu bảo dưỡng lực lượng, dẫn tới tình trạng chậm tiến độ suốt nhiều năm qua. Sự cố phát sinh của tàu ngầm USS Connecticut sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho nỗ lực này.