Tây Nguyên vững niềm tin đi tới
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là 'phên giậu' phía Tây của Tổ quốc, 'nóc nhà của Đông Dương', nằm ở ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia; vùng đất anh hùng trong đấu tranh cách mạng với nền văn hóa đặc sắc đã và đang cùng cả nước vững bước đi lên trong sự nghiệp đổi mới của dân tộc.
Khai thác tiềm năng, khơi thông nguồn lực
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 54.548km2, chiếm 1/6 diện tích của cả nước với khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên, khoáng sản đặc hữu hiếm có. Đây là vùng đất huyền thoại, nơi sinh sống của gần 6 triệu người, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên, ngày 18-1-2002 Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị (khóa XI) đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI), các địa phương trong vùng nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, tốc độ tăng GRDP và các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Tây Nguyên đều cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%).
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn gồm: Cà phê, cao su, chè, hồ tiêu, bông, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy… với nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao của cả nước. Dịch vụ, du lịch vùng có bước phát triển khá, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2002-2020 đạt 19%/năm, cao hơn bình quân cả nước và cao nhất so với các vùng.
Giá trị văn hóa truyền thống vùng được phát huy; công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm khá; quốc phòng, an ninh vùng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng được quan tâm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tốt hơn, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Đắk Lắk được coi là “thủ phủ Tây Nguyên”, đã và đang hướng tới giàu đẹp, văn minh, bản sắc. Tỉnh có diện tích trồng và sản xuất các sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích 182.343 ha, sản lượng hằng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát huy được tiềm năng, lợi thế, đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động xuất, nhập khẩu, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đều đạt trên 1 tỷ USD; riêng trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,136 tỷ USD. Hàng hóa của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu đến hơn 63 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là đã thâm nhập vào các thị trường lớn có tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và chất lượng hàng hóa cao, như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp… Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đảng bộ tỉnh chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhiều lĩnh vực có sức vươn ra tầm khu vực, quốc tế. Những thành quả đó tạo dấu ấn và động lực quan trọng để tỉnh Đắk Lắk bước vào một giai đoạn phát triển mới, bứt phá đi lên.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Lâm Đồng trở thành “điểm sáng” về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn. Với việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng năm 2022 tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 14,18%, đứng thứ 7 cả nước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Đồng chí Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lâm Đồng phục hồi và phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, năm 2022, hoạt động du lịch trở lại sôi động, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 5,5 triệu lượt khách, tăng 158% so với năm 2021. Toàn tỉnh có 1.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 23,5% về số doanh nghiệp và 30% về vốn đăng ký; có 290 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 12% so với cùng kỳ. Hiện nay, Lâm Đồng đang đẩy mạnh lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tập trung đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các đô thị, nhất là TP. Đà Lạt, các đô thị dọc tuyến quốc lộ 20…
Vấn đề cấp bách của Tây Nguyên là giao thông. Vì vậy, nhiều năm qua Nhà nước huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển mạng lưới giao thông trong khu vực. Hiện nay, đường bộ toàn vùng có độ dài gần 40.000 km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn của cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 2.517km; đường liên tỉnh gần 2.035km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối liền Tây Nguyên với Căm-pu-chia và Lào qua các cửa khẩu quốc tế Đắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Đường Hồ Chí Minh cùng đường hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần kết nối thuận tiện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo những buôn, làng trước đây là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hàng không phát triển nhanh với ba sân bay: Liên Khương, Buôn Ma Thuột và Pleiku. Dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Đà Lạt - Tháp Chàm và mở tuyến đường sắt mới phục vụ cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng) đang được đề xuất xây dựng.
Đồng chí Điểu’ KRé, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, với khát vọng vươn lên, Đảng bộ tỉnh tập trung phát triển tiềm năng, thế mạnh của 3 trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo, phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Đắk Nông được cải thiện đáng kể. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn có uy tín và tiềm lực tài chính ngày càng quan tâm đến thị trường trong tỉnh. Hiện tỉnh có hơn 380 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 74.860 tỷ đồng; có hơn 2.644 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Nhiều nhà đầu tư chiến lược thực hiện những dự án lớn, từng bước khai thác các lợi thế có sẵn,, đưa Đắk Nông sớm trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2030.
Làm việc với BTV Tỉnh ủy Gia Lai ngày 22-5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển nhanh, bền vững và tỉnh đã đi đúng hướng. Tỉnh cần tập trung giải quyết cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng chiến lược và quan trọng nhất là cần tự tin hơn nữa, tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình”.
Hiện nay, Gia Lai đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.490 ha; 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đã phát triển 214 sản phẩm OCOP. Có 91 xã và 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai kế hoạch trồng rừng được hơn 8.013ha, chăm sóc rừng đạt 24.927ha, khai thác 153.000m3 gỗ rừng trồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên đề xuất, kiến nghị với Trung ương đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; giúp tỉnh thu hút vốn ODA với một số dự án; kiến nghị về những vấn đề liên quan tới công trình thủy lợi Ia Mơr tại huyện Chư Prông; chuyển đổi diện tích trồng cao su kém phát triển; có cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị... Trung ương cần có cơ chế riêng dành cho những địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ diện tích rừng lớn như Gia Lai.
Là tỉnh nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, đến nay Kon Tum đã phá thế ngõ cụt bằng các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, qua xác định tiềm năng, lợi thế, Kon Tum tập trung dồn sức đầu tư xây dựng ba vùng kinh tế động lực là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) và TP. Kon Tum. Với quyết tâm và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, diện mạo của ba vùng kinh tế đã hiện hữu, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả khả quan. Đến cuối năm 2021, Kon Tum có 110 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các khu công nghiệp với tổng số vốn đăng ký ước đạt 4.151 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 2.016 tỷ đồng. Tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nguyên liệu về cà phê, cao su, sắn, sâm Ngọc Linh, dược liệu, rau, hoa xứ lạnh, các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là vùng sâu, vùng xa ngày càng được hoàn thiện, nâng cao. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nêu rõ: “Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Nhằm tiếp sức cho Tây Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp chung để tháo gỡ vướng mắc mà một số tỉnh đang gặp phải liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng...
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn thông tin, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng là cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng. Thứ trưởng khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, góp phần đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chúng ta biến thách thức, khó khăn thành cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để vùng Tây Nguyên thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới. Người dân sẽ hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” thể hiện sự quan tâm đặc biệt, ý chí, khát vọng và quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước về xây dựng vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng nguyện vọng của các đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây trong bối cảnh phát triển mới.
Nghị quyết đề ra những chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 làm “kim chỉ nam” phấn đấu cho cả vùng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng; tỉ trọng kinh tế số từ 25 đến 30% GRDP; tỉ lệ đô thị hóa từ 37,2 đến 40,7%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 25 đến 30%; tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...
Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc. Một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ngày 22-11-2022, kết luận Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 152/NQ-CP tại TP. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững”.
Mục tiêu phát triển Tây Nguyên là xuyên suốt, thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia, ASEAN. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững, hài hòa, lấy con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực phát triển, lấy văn hóa là nền tảng; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ trên, thời gian tới vùng sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng. Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; quan tâm vấn đề dân tộc, tôn giáo, làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khơi thông “điểm nghẽn”, nút thắt… trên cơ sở trọng tâm, trọng điểm.
Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc là nhiệm vụ trọng tâm và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với vùng đất cách mạng, anh hùng, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay, đúng với truyền thống đoàn kết, thủy chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam theo tinh thần: Cả nước vì Tây Nguyên, Tây Nguyên vươn lên cùng cả nước, vì cả nước!
Xuân Quý Mão đã về! Bên những cánh rừng cao su xanh thẳm, những vườn cà phê, chè, hồ tiêu xum xuê, trĩu trịt…, âm hưởng lời bài hát “Tình ca Tây Nguyên” văng vẳng giữa trời xuân: “Bài ca Tây Nguyên, em yêu trọn đời, cầm tay anh dắt em đi trên đường dài”. Đó chính là con đường sáng mà đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn đi theo Đảng, theo Bác Hồ, vì một Tây Nguyên hôm qua anh hùng, hôm nay giàu đẹp.