Tây Ninh quyết liệt cải cách hành chính: Cán bộ chủ động, người dân hài lòng

Tây Ninh quyết liệt cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, cán bộ đổi mới tác phong, người dân hài lòng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.

Với phương châm hành động “cán bộ chủ động, người dân hài lòng”, tỉnh Tây Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả và phục vụ.

Năm 2024 đánh dấu sự chuyển mình rõ nét của địa phương này trong công cuộc cải cách hành chính (CCHC), đưa công dân trở thành trung tâm phục vụ và cải thiện mạnh mẽ niềm tin của người dân đối với bộ máy chính quyền.

Quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-UBND về kế hoạch cải cách hành chính, xác định rõ mục tiêu, phương hướng và 46 nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng sở, ngành, địa phương.

Tại phiên họp HĐND tỉnh tháng 5/2024, UBND tỉnh trình ban hành nghị quyết về việc giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến - một động thái thể hiện sự đồng hành, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phường 1, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hà Nam)

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Phường 1, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hà Nam)

Không chỉ dừng lại ở chỉ đạo, UBND tỉnh còn tổ chức các đoàn công tác học tập mô hình cải cách hiệu quả ở các địa phương khác, đồng thời đánh giá, phân tích sâu kết quả các chỉ số như Par Index, Sipas để đề ra các giải pháp cải thiện thiết thực.

Tính đến giữa năm 2024, trong tổng số 205 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, Tây Ninh đã hoàn thành 140 nhiệm vụ (trong đó có 130 nhiệm vụ hoàn thành đúng hạn), còn lại 65 nhiệm vụ đang thực hiện trong thời gian quy định.

Công tác tuyên truyền CCHC cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Kế hoạch truyền thông CCHC năm 2024 được triển khai đồng bộ, phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự phản ánh nỗ lực cải cách tại địa phương, từ đó tạo sự lan tỏa và đồng thuận mạnh mẽ trong nhân dân.

Cải cách công vụ: “Cán bộ chủ động” là điểm nhấn

Một trong những trụ cột quan trọng của CCHC là cải cách thể chế. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 90 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 22 nghị quyết và 68 quyết định), bảo đảm đúng quy trình, đầy đủ cơ sở pháp lý, cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Công tác thẩm định, góp ý văn bản pháp quy được thực hiện nghiêm túc, với 105 văn bản được thẩm định và 423 văn bản được góp ý. Hoạt động tự kiểm tra văn bản pháp luật cũng được Sở Tư pháp duy trì chặt chẽ, với 46 quyết định QPPL được rà soát, chưa phát hiện sai sót.

Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Đến nay, đã có 8 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 1 đơn vị sự nghiệp công lập được sửa đổi, 40 đơn vị sự nghiệp công lập được kiện toàn chức năng, nhiệm vụ.

Tây Ninh mạnh dạn tinh giản bộ máy: giảm 1 tổ chức so với năm 2023 và cắt giảm 10 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sắp xếp bộ máy không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn thể hiện tinh thần dám làm, dám thay đổi vì lợi ích chung.

Các thủ tục hành chính được niêm yết tại bộ phận riếp nhận và trả kết quả xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hoàng Yến - Minh Toàn)

Các thủ tục hành chính được niêm yết tại bộ phận riếp nhận và trả kết quả xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Hoàng Yến - Minh Toàn)

Năm 2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm cho toàn bộ 20 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 9 UBND cấp huyện và 503 đơn vị sự nghiệp công lập. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng quy định, đúng người, đúng việc, bảo đảm công khai, minh bạch.

Tỉnh đã tuyển dụng 118 công chức, 445 viên chức, tiếp nhận 23 viên chức; đồng thời thực hiện 197 cuộc kiểm tra công vụ, trong đó có đến 101 cuộc kiểm tra đột xuất. Những con số này không chỉ phản ánh sự quyết liệt trong quản lý nhân sự mà còn cho thấy sự chuyển biến trong kỷ luật, kỷ cương hành chính, nền tảng xây dựng bộ máy phục vụ hiệu quả.

Ông Đào Huy Đạt, Phó Chủ tịch UBND Phường 1, TP Tây Ninh chia sẻ: “Thời gian qua, Đảng ủy, UBND phường luôn chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, gần dân. Chúng tôi quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm ‘5 xin, 3 biết’ và 10 nguyên tắc giao tiếp với nhân dân”.

Với kết quả đạt được trong năm 2024, Tây Ninh đang từng bước khẳng định là điểm sáng trong cải cách hành chính ở khu vực Đông Nam Bộ. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh còn đang dần xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, gần dân, vì dân.

Cải cách hành chính không chỉ là nhiệm vụ của một năm, mà là quá trình liên tục và lâu dài. Chính vì vậy, những gì Tây Ninh đã và đang thực hiện là minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, đúng như khẩu hiệu mà tỉnh đã đặt ra: “Cán bộ chủ động - Người dân hài lòng”.

Cải cách tài chính công: Công khai, hiệu quả, tự chủ

Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Tây Ninh năm 2024 đạt hơn 12.000 tỷ đồng, vượt 11,9% dự toán được Bộ Tài chính giao. Trong đó, thu nội địa đạt 106,1%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 163,6% - con số ấn tượng cho thấy năng lực điều hành tài chính công hiệu quả, đúng trọng tâm.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2024, đạt trên 3.850 tỷ đồng, tương đương 90,71% kế hoạch của Thủ tướng, cho thấy tiến độ giải ngân được đẩy nhanh, hỗ trợ kịp thời cho các công trình trọng điểm.

Đặc biệt, toàn bộ 503 đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đã được giao quyền tự chủ tài chính, đạt 100%. Trong đó có 4 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; 33 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 98 đơn vị tự bảo đảm một phần chi; còn lại 368 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc phân loại rõ ràng giúp thúc đẩy sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm của từng đơn vị.

Tây Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng chính quyền số. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư mạnh mẽ, hệ thống kỹ thuật vận hành ổn định, đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, xử lý hồ sơ điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Công chức Phường 1 hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ trực tuyến. (Ảnh: Hà Nam)

Công chức Phường 1 hỗ trợ, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ trực tuyến. (Ảnh: Hà Nam)

Năm 2024, UBND tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và khai trương Phòng Chỉ huy điều hành Đô thị thông minh tại Thị xã Hòa Thành. Đây là bước tiến vượt bậc trong công tác điều hành, giám sát, phản ánh kịp thời các vấn đề dân sinh.

Tây Ninh hiện cung cấp 1.240 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 843 dịch vụ công toàn trình - cho phép người dân thực hiện toàn bộ quy trình trên môi trường số, không cần đến cơ quan hành chính. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng đều qua các tháng, thể hiện sự hưởng ứng và tin tưởng ngày càng lớn của người dân.

Niềm tin từ người dân, thước đo thành công cải cách

Những kết quả ấn tượng trong công tác cải cách hành chính năm 2024 tại Tây Ninh cho thấy quyết tâm lớn từ chính quyền, sự chủ động từ đội ngũ cán bộ và sự hưởng ứng tích cực từ người dân.

Từ những cải tiến trong thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tinh gọn bộ máy đến việc minh bạch tài chính công, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung: nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chị Lê Thị Mỹ Dung (ngụ Phường 1, TP Tây Ninh) chia sẻ: “Trước đây đi làm giấy tờ phải chờ đợi, đi lại nhiều lần, giờ chỉ cần đăng ký qua mạng, nhận kết quả tại nhà. Tôi thấy cán bộ rất nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể. Rõ ràng, cải cách hành chính đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.

Niềm tin, sự đồng thuận và hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo quan trọng nhất phản ánh hiệu quả công cuộc cải cách hành chính. Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, huyện đã không ngừng đổi mới quy trình, tinh gọn thủ tục, nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chỉ tính riêng trong quý I năm 2025, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Châu Thành, Tây Ninh đã tiếp nhận 547 hồ sơ, trong đó 100% hồ sơ được tiếp nhận qua hình thức trực tuyến.

Kết quả cho thấy, đã có 395 hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 72,21%, số còn lại đang trong thời gian xử lý theo quy định.

Người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Châu Thành. (Ảnh: Hoàng Yến - Minh Toàn)

Người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Châu Thành. (Ảnh: Hoàng Yến - Minh Toàn)

Tại cấp xã, thị trấn, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận tổng cộng 2.627 hồ sơ, tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%, trong đó đã giải quyết đúng và trước hạn 2.622 hồ sơ, chiếm 99,81%. 100% tổ chức, cá nhân đánh giá sự hài lòng trên biểu đồ Dịch vụ công quốc gia.

Nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ, trong năm 2025, UBND huyện Châu Thành xác định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng triển khai hiệu quả dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính và các thủ tục hành chính có phát sinh phí/lệ phí.

Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh việc thực hiện quy chế phối hợp trong tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về quy định hành chính tại địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính từ cấp huyện đến cấp xã.

Song song đó, địa phương luôn đảm bảo việc công khai, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin trên Cổng thông tin điện tử của huyện; tích cực rà soát, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, bảo đảm 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ toàn trình và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Huyện cũng tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin cán bộ, công chức, viên chức trên phần mềm quản lý, đảm bảo đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tay-ninh-quyet-liet-cai-cach-hanh-chinh-can-bo-chu-dong-nguoi-dan-hai-long-ar944026.html