Tên đường ở TP.HCM sai nhiều, có nên đổi lại cho đúng?
Nhiều ý kiến cho rằng với những tên đường sai nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng thì vẫn nên giữ để không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Thống kê cho thấy, tại TP.HCM có 400 tên đường bị sai, trùng tên, tên không có ý nghĩa... cần phải đổi tên cho đúng. Trong gần 400 tên đường cần đổi, có 311 đường trùng tên với 132 tên đường.
Vì sao tên đường lại sai?
Trong số này còn có 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hóa bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Ví dụ như đường Bùi Hữu Diện Lô 1, Hoàng Diệu 2… và các trường hợp tên đường còn chưa thống nhất ý kiến như: Cao Đạt, Khải Định, đường Ấp Chiến Lược…
Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có hơn 2.000 tuyến đường đã được đặt tên. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... vào "ngân hàng tên đường" và công trình công cộng trên địa bàn TP.
Việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP được thực hiện nghiêm túc theo quy định. Tuy nhiên, trên địa bàn TP với tốc độ đô thị hóa cao, nhiều tuyến đường được xây mới và đưa vào sử dụng, một số tổ chức đơn vị đã chủ động đặt tên đường theo số thứ tự, chữ cái A, B, C hoặc tên địa danh gắn với số thứ tự.
Theo TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học của Đại học KHXH&NV TP.HCM, tại TP.HCM có 38 tên đường không chính xác. Từ năm 2020, Sở VH-TT đã có văn bản đề xuất UBND Thành phố xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác này. Nhiều nhất là quận 1 (7 đường), quận 5 (7 đường), Bình Tân (4 đường), quận 4, 11, Củ Chi (3 đường), Thủ Đức (2 đường)…
Đáng chú ý, trong số 38 tên đường không chính xác, có những đường bị sai so với Quyết định của UBND TP. Chẳng hạn trong quyết định của thành phố đặt tên đường là Bùi Hữu Diên, nhưng khi ra cắm biển thực tế lại ghi Bùi Hữu Diện.
Hay như đường Đỗ Cơ Quang thành Đỗ Quang Cơ; đường Đoàn Triết Minh thành Đoàn Minh Triết; Nguyễn Trọng Trì thành Nguyễn Trọng Trí…Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất Sở GTVT chỉnh lại bảng tên đường cho chính xác.
Cũng có những tên đường do Quyết định ghi sai họ tên. Chẳng hạn tên đúng là Dương Tụ Quán nhưng quyết định ghi là Dương Tự Quán; tên nhân vật Hoàng Xuân Hành thì Quyết định ghi Hoàng Xuân Hoàn. Đối với nhóm này, Sở Văn hóa - Thể thao kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định chỉnh sửa cho chính xác.
Theo ông Hoàng Anh, hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đồng thời lấy ý kiến của nhân dân, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP để có phương án phù hợp điều chỉnh tên đường đối với nhóm 1 và 2 (Nhân vật lịch sử sai tên so với quyết định đặt tên của UBND TP) nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đổi tên đường nhưng cần có kế hoạch
Về việc đổi tên đường, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đổi tên đường do Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì, Sở GTVT không có ý kiến. Tuy nhiên, trước đó Sở GTVT đã kiến nghị về việc đặt tên mới một số tuyến đường tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và công viên Gia Định thuộc địa bàn quận Tân Bình, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Cụ thể là đường Hồng Hà, Bạch Đằng thuộc dự án xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Tuyến đường này vẫn chưa có tên sau khi hoàn thành dự án. Theo Sở GTVT, việc đặt tên có thể gây nhiều xáo trộn đối với hoạt động giao dịch của các tổ chức, cá nhân liên quan nhưng để thuận lợi cho công tác quản lý đô thị, quản lý đường bộ và việc lưu thông của người dân cần được đặt tên và đổi tên cho phù hợp.
Cân nhắc về việc đổi tên đường, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, giờ thành phố đổi lại 400 tên đường thì rất khổ cho người dân. Bởi sau đó người dân phải đổi lại giấy tờ, sổ sách, sẽ rất nhiêu khê, phiền phức.
Theo ông Hòa, những tên đường sai lỗi chính tả không quá nghiêm trọng như Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân) người dân đã quen với tên gọi này bao nhiêu năm nay rồi, giờ không nên đổi lại vì không ảnh hưởng nhiều. Còn với những tên sai nghiêm trọng mới cần phải đổi, hay tên đường nào có trùng tên thì nên đánh số thứ tự để phân biệt thay vì đổi lại. Những tên đường mới sau này, thành phố nên đặt tên đường theo số thứ tự để dễ quản lý hơn.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc đổi tên đường cho đúng là điều cần thiết và cần phải làm. Tuy vậy, thời gian nào để đổi tên đường thì cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể, tránh gây xáo trộn.
Ông Sơn lấy ví dụ, khi sát nhập 3 quận gồm quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 thành tên Thành phố Thủ Đức, người dân, chính quyền cũng phải điều chỉnh các thủ tục giấy tờ để phù hợp với mô hình chính quyền mới. Vậy thành phố cần có sự điều chỉnh ngay các tên đường ở trên địa bàn TP Thủ Đức cho đúng để thay đổi một lần luôn.
Ngoài ngân hàng tên được của TP.HCM, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nên xây dựng một ngân hàng tên đường của quốc gia, đưa công khai lên mạng. Các địa phương khác khi đặt tên đường có thể tham khảo và đặt cho đúng.
Những địa phương nào đặt chưa đúng cũng cần ghi chú rõ ràng. Chẳng hạn tên nhân vật lịch sử chính xác là Ngô Thời Nhậm, nhưng tại TP.HCM đang đặt là Ngô Thời Nhiệm, cần mở ngoặc ghi chú cụ thể là đang đặt không đúng. Các địa phương khác cũng có thể tham khảo đặt cho đúng, không lặp lại cái sai của địa phương khác.