Tên gọi mới sau sắp xếp - Sự lựa chọn hợp lòng dân

Đặt tên theo số thứ tự 1, 2, 3, 4 hay theo vị trí địa lý Đông, Tây, Nam, Bắc và nhiều cách đặt tên khác cho các xã, phường được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập những đơn vị hành chính cấp xã đã mang những tên gọi thân thuộc trước đó là vấn đề mà nhiều địa phương đang chọn lựa và nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân.

Cách đặt tên phường mới sau sáp nhập tại TP Đà Lạt được người dân đồng tình ủng hộ và khen ngợi

Sự quan tâm của người dân thể hiện qua việc đóng góp ý kiến thông qua phiếu lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã mà các địa phương thực hiện trong thời gian qua. Sự quan tâm này còn lan tỏa trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều địa phương đã phải thay đổi trong cách đặt tên xã, phường sau khi lắng nghe ý kiến của người dân.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, việc lấy ý kiến của người dân về Đề án sáp xếp đơn vị hành chính, trong đó có cách đặt tên xã, phường mới sau khi sáp nhập, đến nay được xác định cơ bản hợp với lòng dân khi tỷ lệ đồng thuận cao bên cạnh số ít những băn khoăn, kiến nghị.

“GÁNH THEO TÊN XÃ, TÊN LÀNG TRONG MỖI CHUYẾN DI DÂN”

Trong bài thơ Đất nước, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"… Sự “gánh theo" tên xã, tên làng ấy có thể thấy rõ trên vùng đất Lâm Đồng.

Tại một hội nghị Trung ương sau ngày đất nước thống nhất bàn về việc phân bố lại nguồn lao động và dân cư trên phạm vi toàn quốc, cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng chỉ đạo: Tổ chức đưa hàng triệu Nhân dân từ các tỉnh đồng bằng và đô thị đất chật người đông lên miền núi phía Bắc, đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới để khai thác có hiệu quả nguồn lực lao động, đất đai, làm ra nhiều của cải, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Vùng đất Tây Nguyên ấy có tỉnh Lâm Đồng. Sau giải phóng, người dân từ miền Bắc, miền Trung đã di cứ đến với vùng đất đỏ bazan màu mỡ khai hoang mở đất, lập nên những vùng kinh tế mới. Cũng bởi thế mà ở tận Nam Tây Nguyên nhưng vẫn có những cái tên đậm đà chất Bắc. Ngay giữa TP Đà Lạt vẫn có Làng hoa Hà Đông, có ấp Nghệ Tĩnh.

Hay ở huyện Lâm Hà, nơi “kết duyên” giữa hai vùng đất Hà Nội - Lâm Đồng, người Hà Nội khi vào đây làm kinh tế mới đã mang theo tên làng, tên xã và cả phong tục tập quán của vùng đồng bằng sông Hồng vào mảnh đất cao nguyên. Cũng bởi thế mà nơi đây có những xã Mê Linh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Tân Hà… Hay xuôi về phía Nam tỉnh Lâm Đồng, ở huyện Đạ Huoai mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, thì từng huyện trước đây đều có những tên xã được người dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định... mang theo khi đến vùng đất mới làm kinh tế. Và những tên xã như Quảng Trị, Triệu Hải, Đức Phổ, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, Phù Mỹ, Phước Cát… đã được hình thành trên vùng đất này cách đây hơn 30 năm.

Người Việt xưa nay dù ở ngay bản xứ hay tha hương bốn bể vẫn nặng lòng với cái tên làng, tên xã vì đây không chỉ là danh xứng hành chính, dấu hiệu để phân biệt trên bản đồ, mà còn chính là văn hóa của cả một vùng đất và cũng chính là một phần ký ức, là cách để nhớ về cội nguồn của chính những con người sinh sống trên vùng đất đó.

Sau sắp xếp, Lâm Đồng còn 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 9 phường, 42 xã

Sau sắp xếp, Lâm Đồng còn 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 9 phường, 42 xã

CÁCH ĐẶT TÊN MỚI HỢP LÒNG DÂN

Trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện để tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thì ngoài những vấn đề về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, nhân sự… thì việc đặt tên cho các phường, xã mới thành lập được chính quyền địa phương rất chú trọng và người dân đặc biệt quan tâm.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở Nghị quyết thống nhất chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 20, Kỳ họp lần thứ 24 HĐND tỉnh khóa X đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh và Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận.

Theo đó, Đề án sắp xếp các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận theo hướng hợp nhất 3 tỉnh thành một tỉnh, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số (cả thường trú và tạm trú) của 3 tỉnh hiện nay. Tỉnh mới lấy tên là Lâm Đồng, Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

Còn theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 8 huyện, 2 thành phố và 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 106 xã, 18 phường, 13 thị trấn. Sau sắp xếp, Lâm Đồng còn 51 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 9 phường, 42 xã, giảm 86 đơn vị hành chính, đạt tỷ lệ 62,77%.

Các xã, phường mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 2 đến 4 xã, phường trong cùng một địa giới hành chính cấp huyện hiện tại hoặc thậm chí vượt ra cả địa giới hành chính đối với một số xã có những nét tương đồng về phát triển kinh tế - xã hội và thuận tiện về khoảng cách địa lý mở ra cơ hội phát triển to lớn trong tương lai nhưng cũng đặt ra những thách thức, trở ngại trong hiện tại và việc chọn tên xã, phường mới là một ví dụ.

Xác định được tầm quan trọng và sự quan tâm của quần chúng nhân dân đối với việc đặt tên tỉnh, tên xã, tên phường mới, Nghị quyết số 76 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp nêu rõ: Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Và muốn biết "được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ" hay không thì các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo đúng hướng dẫn và quy định của pháp luật. Kết quả, có 97,86% cử tri đồng ý chủ trương sáp nhập tỉnh Đắk Nông - Bình Thuận - Lâm Đồng thành tỉnh mới lấy tên là Lâm Đồng, Trung tâm Hành chính – Chính trị đặt tại TP Đà Lạt hiện nay; có 97,32% cử tri đồng ý với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tỷ lệ không đồng ý là 0,83%.

Với tỷ lệ đồng thuận cao như vậy, cho thấy việc đặt tên xã, phường đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và chọn lựa kỹ lưỡng trước khi tiến hành lấy ý kiến người dân và thực tế đã cho thấy phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đại đa số người dân.

Đơn cử như tại TP Đà Lạt – Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, từ 12 phường, 4 xã của TP Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương và xã Lát của huyện Lạc Dương được sắp xếp, sáp nhập thành 5 đơn vị hành chính cơ sở (5 phường), giảm 13 cấp xã, đạt tỷ lệ 72,22%. Tên gọi của các phường được chọn đặt là: Phường Xuân Hương - Đà Lạt, phường Cam Ly - Đà Lạt, phường Lâm Viên - Đà Lạt, phường Xuân Trường - Đà Lạt, phường Lang Biang - Đà Lạt.

Cách đặt tên này được người dân ủng hộ bởi tên phường đều gắn liền với những đặc trưng riêng của Đà Lạt như hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, cao nguyên Lâm Viên, núi Lang Biang… Theo lãnh đạo thành phố Đà Lạt, việc đặt tên các phường được cân nhắc rất kỹ bởi đây là thành phố có ký ức đô thị rõ rệt với nhiều danh thắng, cả thành phố hay từng địa danh đều là những chỉ dẫn địa lý quốc tế. Việc đặt tên như vậy đảm bảo sau sắp xếp, tên các phường dù mới nhưng vẫn có sự thân quen gần gũi trong lòng người dân và du khách.

Đặc biệt, sau các phường đều gắn với tên Đà Lạt bởi đây là chỉ dẫn địa lý quốc tế nổi tiếng kể từ khi hình thành. Do đó, việc gắn thêm Đà Lạt sau tên các phường nhằm duy trì lợi thế cho các phường sau sắp xếp. Thương hiệu Đà Lạt cộng hưởng với các địa danh được đặt tên cho các phường mới để sớm hình thành các thương hiệu uy tín trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch... Còn xét ở góc độ của người dân, Đà Lạt đã trở thành thương hiệu mang tính sở hữu chung, đặt tên như vậy cũng là một cách để đảm bảo sự công bằng và không làm mất đi thương hiệu Đà Lạt.

Ngoài 5 phường ở Đà Lạt, 6 xã sau sáp nhập ở huyện Lâm Hà cũng được đặt tên theo cách tương tự, gồm: Đinh Văn Lâm Hà, Phú Sơn Lâm Hà, Nam Hà Lâm Hà, Nam Ban Lâm Hà, Tân Hà Lâm Hà, Phúc Thọ Lâm Hà. Tên xã mới được đặt từ sự kết hợp từ những tên xã, tên làng mang theo từ nơi chôn nhau cắt rốn gắn liền với tên vùng kinh tế mà người dân đã an cư, lập nghiệp. Đó cũng là minh chứng cho sự gắn kết bền chặt giữa hai vùng đất Hà Nội – Lâm Đồng.

CÒN ĐÓ NHỮNG TRĂN TRỞ

Những xã mới sau sáp nhập còn lại trong tỉnh, tên được lấy theo tên xã cũ, tên huyện cũ hoặc lấy theo tên những địa danh nổi tiếng hay cái tên có từ trước đây. Quyết định đặt tên như vậy của tỉnh Lâm Đồng nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn những xã mới được đặt tên theo cách lấy tên huyện đi kèm với các số thứ tự như cách mà các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai chọn đặt. Đối với cách đặt tên này, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ cũng đề cập đến việc khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Cách đặt tên này không sai, nhưng gây nên sự nuối tiếc cho những cái tên đã từng gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất lại không được sử dụng để tiếp tục tận dụng và phát huy những giá trị vốn có của tên gọi đã lưu truyền qua biết bao thế hệ.

Thạc sĩ Nguyễn Vân Hậu (TP Bảo Lộc), bày tỏ: "Riêng huyện Bảo Lâm đặt tên 5 xã mới theo thứ tự: Bảo Lâm 1 đến Bảo Lâm 5 là chưa thực sự theo đúng nguyên tắc quy định tại Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo truyền thống, lịch sử, văn hóa của các địa phương và ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới...

Tên huyện Bảo Lâm mới có 30 năm, chưa đủ dài để hình thành các giá trị lịch sử nên không nhất thiết phảigiữ lại so với tên của những xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - từng là vùng căn cứ địa cách mạng, chiến khu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như xã: Lộc Bắc (bao gồm Lộc Bảo), Lộc Lâm (bao gồm Lộc Phú), Lộc An (bao gồm Lộc Đức, Tân Lạc) và Lộc Nam. Đây là những địa danh lịch sử, văn hóa rất cần được gìn giữ thông qua việc đặt tên xã để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vậy, tại sao không lấy tên các xã anh hùng đặt tên các xã mới, vừa đúng nguyên tắc theo Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ, vừa phát huy giá trị lịch sử, truyền thống?".

Công cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy phải “vừa chạy vừa xếp hàng” để đáp ứng yêu cầu nên đòi hỏi sự khẩn trương và quyết liệt. Điều đó cũng có nghĩa vừa làm phải vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp và việc chọn lựa, đặt tên đơn vị hành chính mới là một trong những vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo. Bởi tên đất, tên làng sẽ theo người dân như một phần máu thịt của họ như Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong bài thơ Đất nước:

“Những địa danh trôi từ thuở xa xôi

Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt

Đã đọng lại thành tên người, tên đất

Bao năm rồi suốt mặt phá, triền sông”.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/ten-goi-moi-sau-sap-xep-su-lua-chon-hop-long-dan-ec108ab/