Tên huyện, thị được 'giữ lại' thành tên xã, phường
Những cái tên huyện, thị, thành phố như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Đồng Hới… (tỉnh Quảng Bình) được giữ lại khi đặt tên cho các xã, phường (mới) sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Nhiều xã, phường mới (ở Quảng Bình) mang tên các huyện, thị, thành phố để lưu giữ lại nét văn hóa
Tại Kỳ họp thứ 21, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết về chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Bình.
Theo đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã mà HĐND tỉnh Quảng Bình công bố, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, hợp nhất là 36 xã và 5 phường
Trong đó, nhiều cái tên đơn vị hành chính cấp thành phố, cấp huyện của tỉnh Quảng Bình được giữ lại khi được đặt tên cho các xã, phường sau sáp nhập.
Đơn cử như tên gọi Đồng Hới trước là thành phố, sau khi sáp nhập sẽ mang tên phường Đồng Hới. Phường Đồng Hới thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Bảo Ninh, xã Đức Ninh và các phường Nam Lý, Đồng Hải, Đồng Phú, Đức Ninh Đông, Phú Hải, Hải Thành.
Được biết, phường Đồng Hới trở thành đơn vị xã, phường mới có nhiều đơn vị hành chính được sáp nhập nhiều nhất ở Quảng Bình.

Tên huyện Lệ Thủy đã được lưu giữ ở tên xã Lệ Thủy sau khi sáp nhập
Tương tự, Ba Đồn trước là tên thị xã và cũng là tên của một phường ở trên địa bàn, nay được giữ lại tên phường Ba Đồn trên cơ sở sáp nhập xã Quảng Hải và các phường Quảng Phong, Quảng Long, Ba Đồn.
Trong khi đó, cái tên Minh Hóa trước là huyện thì nay đặt cho xã. Xã Minh Hóa (mới) trên cơ sở sáp nhập các xã Xuân Hóa, Yên Hóa, Hồng Hóa và thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa cũ). Trụ sở làm việc tại thị trấn Quy Đạt hiện nay.
Xã Tuyên Hóa cũng được “giữ lại” từ tên huyện cũ. Xã Tuyên Hóa trên cơ sở sáp nhập các xã Tiến Hóa, Châu Hóa, Cao Quảng, Văn Hóa, trụ sở làm việc tại xã Tiến Hóa hiện nay.
Xã Quảng Trạch cũng vậy, tên huyện cũ đã được đặt cho xã mới, trên cơ sở sáp nhập các xã Quảng Phương, Quảng Xuân, Quảng Hưng. Trụ sở làm việc tại xã Quảng Phương hiện nay.

Xã Phong Nha gắn liền với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận
Tên huyện Bố Trạch được giữ lại thành tên xã Bố Trạch. Xã mới này thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Hưng Trạch, Cự Nẫm, Vạn Trạch và Phú Định. Trụ sở làm việc tại xã Cự Nẫm hiện nay.
Điều đáng ghi nhận, trong số nhiều tên xã mới thành lập (ở huyện Bố Trạch cũ) thì xã Phong Nha (sáp nhập từ các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha) để lại nhiều ấn tượng.
Xã Phong Nha gắn liền với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Đồng thời, địa phương này được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng như hang Sơn Đoòng, hang Én, động Phong Nha, Thiên Đường...
Ở 2 huyện phía nam là Quảng Ninh và Lệ Thủy cũng lần lượt có 2 xã Quảng Ninh và Lệ Thủy. Xã Quảng Ninh thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Vĩnh Ninh, Võ Ninh, Hàm Ninh và thị trấn Quán Hàu (trụ sở làm việc tại thị trấn Quán Hàu hiện nay).
Còn xã Lệ Thủy thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy và thị trấn Kiến Giang (trụ sở làm việc tại thị trấn Kiến Giang hiện nay).

Lễ hội đường phố Đồng Hới được tổ chức vào dịp lễ 30.4
Việc giữ lại những tên gọi các đơn vị hành chính cấp huyện như Đồng Hới, Ba Đồn, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa... thành tên xã, phường sau khi sáp nhập ở Quảng Bình thể hiện sự trân trọng lịch sử và truyền thống văn hóa địa phương.
Đồng thời giúp người dân sớm thích nghi với hoạt động tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Trong dịp này, ở Quảng Bình có một xã không sáp nhập đó là xã Tân Thành (thuộc huyện Minh Hóa). Xã này mới được thành lập trong năm 2024 trên cơ sở nhập các xã Hóa Phúc, Hóa Tiến, Hóa Thanh.
Sau khi thành lập, xã Tân Thành có diện tích 89,77 km2, dân số 5.454 người, trụ sở chính đặt tại xã Hóa Tiến (cũ).