Tên làng xã ở Khánh Hòa qua địa bạ triều Nguyễn
Địa bạ - Nguồn tư liệu đồ sộ và quý giá của dân tộc
Đối với xã hội nông nghiệp Việt Nam thời phong kiến, công cuộc đạc điền và lập địa bạ là khâu rất quan trọng trong việc quản lý ruộng đất. Đến triều Nguyễn, đất nước Việt Nam từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau đã thống nhất về hành chính, việc lập địa bạ mang tính quy mô và nhất quán trên toàn quốc. Từ năm Gia Long thứ 4 (1805) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà Nguyễn đã tiến hành thực hiện nhiều đợt bao đạc (lập địa bạ) ở 29 tỉnh trên toàn đất nước. Sổ địa bạ được ghi chép bằng chữ Hán và theo một thể thức thống nhất: Mỗi mảnh ruộng đất phải ghi rõ diện tích, vị trí, cách sử dụng, loại hạng và sở hữu chủ.
Trong kho tàng di sản văn hóa và lịch sử Hán - Nôm của dân tộc ta, có thể nói các sổ địa bạ được thực hiện dưới triều Nguyễn là phần đồ sộ nhất còn lưu lại. Trước năm 1945, sưu tập này để tại Tàng Thư Lâu trong kinh thành Huế. Năm 1959, tất cả tài liệu, thư tịch của triều đình nhà Nguyễn được chuyển lên Văn khố Đà Lạt. Năm 1975, số tư liệu này lại được đưa về bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương 2 tại TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1991, sưu tập Châu bản và Địa bạ cùng các tư liệu khác thuộc Tàng thư triều đình nhà Nguyễn lại được chuyển ra Hà Nội. Sau này, theo thống kê của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (là tác giả công trình Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - được Giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá là “một trong những công trình lớn nhất về khoa học lịch sử ở cuối thế kỷ XX của chúng ta”), Cục Lưu trữ quốc gia còn bảo tồn được khoảng 16.000 quyển địa bạ cho 16.000 xã, thôn trong tổng số 18.000 xã, thôn thuộc 29 tỉnh toàn quốc thời đó. Số địa bạ này được nhà Nguyễn thực hiện trong suốt 31 năm (từ 1805 đến 1836) mới hoàn thành. Mỗi sổ địa bạ được chép tay bằng chữ Hán trên giấy tốt thành 3 bản: Bản Giáp để ở Kinh, bản Ất để ở tỉnh và bản Bính để ở làng. Nếu so sánh với những loại tài liệu hành chính khác cũng của triều Nguyễn như Châu bản (những sớ tấu có ghi bút phê bằng son của vua) mà nay đã mười phần mất tám, thì sưu tập địa bạ còn lại khá đầy đủ. Đó là cả kho tư liệu phong phú ghi chép khá chính xác về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, cách sử dụng đất đai, tình hình chiếm hữu ruộng đất, sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt nông nghiệp, địa danh… giúp ta hiểu được sâu sắc về nhiều mặt hệ thống làng xã Việt Nam ở thế kỷ XIX.
Tên làng xã Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ XIX qua địa bạ
Trong số 16.000 quyển địa bạ đang được lưu trữ, có 275 quyển địa bạ của các làng xã thuộc tỉnh Khánh Hòa thời Nguyễn. Các sổ địa bạ ở Khánh Hòa được lập năm Gia Long thứ 10 (1811). Về sau do có lẽ bị mối mọt nên phải sao chép lại nhiều lần để sử dụng. Hiện nay, còn lại phần lớn là các bản truy dụng thực hiện năm Minh Mạng thứ 11 (1830) và các bản tái sao năm Tự Đức thứ 26 (1873). 275 quyển địa bạ của Khánh Hòa đã ghi chép về địa lý của 132 xã, 130 thôn, 3 xóm, 3 ấp, 3 lạch, 2 xứ, 1 phường, 1 sách. Ngoài ra, khi điều tra tứ cận còn thấy thêm được tên 15 xã, thôn mất địa bạ. Như vậy, tổng số tên làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ XIX còn bảo lưu được qua địa bạ là 290, số lượng tên làng xã bị mất chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ là 5,2% (16/306).
Qua sưu tập địa bạ, ta thấy làng Việt xưa thường có 2 loại tên gọi: Tên Hán - Việt (còn gọi là tên chữ, mỹ danh…) được dùng làm tên chính thức, được ghi chép vào danh sách làng xã do chính quyền các cấp quản lý; tên Nôm (còn gọi là tên tục, tục danh) được xem là tên phụ (tuy lúc đầu có thể là tên chính), chỉ lưu truyền trong nhân dân, không được ghi vào sổ sách làng xã hoặc nếu có được ghi thì cũng không phải ở vị trí chính. Tên làng ở Khánh Hòa cũng mang những đặc điểm chung của hệ thống tên làng xã cổ truyền Việt Nam. Những xã, thôn ở các tổng (nơi thị tứ) thường lấy mỹ danh (tên Hán - Việt) làm địa danh hành chính chính thức, còn những làng ở các thuộc (vùng sâu, vùng xa) vẫn giữ tục danh (tên Nôm). Tuy nhiên, đến thời kỳ thực hiện các sổ địa bạ này (nửa đầu thế kỷ XIX), phần lớn tên làng ở Khánh Hòa đã là tên Hán - Việt mang ý nghĩa hoa mỹ.
Trong 290 tên làng ở Khánh Hòa, có hơn 80% là tên Hán - Việt, bắt đầu bằng các chữ: Phú, An, Phước, Mỹ, Xuân, Vạn, Đại, Bình, Hà, Hội, Thạnh, Vĩnh, Hoa, Trường, Trung, Diêm, Cù, Hương, Thạch, Tứ, Võ, Hòa, Lâm, Lương, Sơn, Thanh, Thuận, Thủy, Toàn, Triều, Bản, Bằng, Bích, Cường, Đàm, Định, Hải, Lộc, Minh, Ngọc, Phụng, Quan, Quang, Tây, Thái, Tiên, Tiền, Tuân, Tư. Số tên Nôm là địa danh hành chính chính thức được ghi trong địa bạ chỉ chiếm 18,6% (54/290), đa số là tên làng, xã ở các thuộc (các nơi gần núi rừng, dọc sông biển). Tuy nhiên, bên cạnh các tên làng Hán - Việt, người lập địa bạ vẫn ghi chú thêm tên Nôm vốn là tục danh của các làng ấy mà nay đã bị các tên gọi chính thay thế trong danh sách làng xã. Mỗi tên làng Hán - Việt (tên chính) đều có ghi kèm từ 1 đến 2, 3 tên Nôm (tên phụ). Nhờ vậy số tên Nôm làng xã ở Khánh Hòa hồi đầu thế kỷ XIX còn bảo lưu được qua địa bạ rất lớn. Đây là nguồn tư liệu cực kỳ quý báu để tìm hiểu sự hình thành và quá trình diễn biến các tên làng Việt cổ truyền ở Khánh Hòa cũng như mối quan hệ giữa tên Nôm và tên Hán - Việt qua cứ liệu địa danh làng xã.
Số tên Nôm này thường bắt đầu bằng các thành tố chung phản ánh nét đặc thù địa hình thiên nhiên nơi làng đó thành lập, như: Bãi, Bàu, Bến, Bờ, Cát, Cây, Cỏ, Cồn, Cửa, Dốc, Đá, Đầm, Đầu, Đồng, Đường, Ghe, Giếng, Gò, Hòn, Hốc, Kẻ, Láng, Lỗ, Luống, Lũy, Mả, Mạn, Mương, Ngã, Ngòi, Núi, Phường, Quán, Rừng, Sân, Sông, Suối, Truông, Vũng, Vực, Xóm… Những thành tố chung được dùng nhiều nhất để đặt tên làng là Cây (118 địa danh), Gò (108 địa danh), Đồng (68 địa danh), Bàu (22 địa danh).
Cũng có những tên đất, tên làng mang ý nghĩa cụ thể, riêng biệt, chỉ gặp một lần, như: Măng Nội, Thị Nhong, Xe Nước, Lẵng Vàng, Vú Bò, Hùm Voi, Bồng Binh… Nhiều tên làng nửa Nôm nửa Hán, như: Hà Dừa, Hà Ra, Hoa Bông… Vài tên làng có thể là tiếng dân tộc được ghi âm Hán - Việt, như: Ma Cà, Na Cai, Tà Á.
NGUYỄN VIẾT TRUNG