Tên lửa siêu vượt âm của Ấn Độ có đủ sức xuyên thủng S-500 và Iron Dome?
Ấn Độ chính thức bước vào nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa hành trình siêu vượt âm tự phát triển, khi tổ chức thành công vụ phóng thử ET-LDHCM tuần trước.
Theo tạp chí Army Recognition, mẫu vũ khí chiến này lược do Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) chế tạo trong khuôn khổ dự án tuyệt mật Vishnu.
Tên lửa ET-LDHCM của Ấn Độ - Video: Republic World
Công nghệ vượt trội
Tên lửa hành trình ET-LDHCM đạt tốc độ lên tới mach 8, tương đương 11.000 km/giờ, nhanh đến mức có thể xuyên thủng phần lớn các hệ thống phòng không hiện đại. Với tầm bắn cơ bản 1.500km, có thể mở rộng đến 2.500km tùy cấu hình, ET-LDHCM giúp Ấn Độ có thêm một công cụ tấn công tầm xa linh hoạt.
Điểm then chốt trong thiết kế ET-LDHCM là động cơ scramjet - công nghệ cho phép tên lửa bay với tốc độ siêu vượt âm liên tục trong khí quyển mà không cần mang theo oxy như tên lửa truyền thống. Thay vì sử dụng tua bin hay quạt như các động cơ phản lực khác, scramjet nén không khí bằng chính tốc độ cực cao của tên lửa khi lướt qua bầu khí quyển. Không khí nén này sau đó được đốt cùng nhiên liệu (thường là hydro), tạo ra lực đẩy cực mạnh trong khi vẫn duy trì luồng khí ở tốc độ siêu thanh ngay trong buồng đốt - điểm khác biệt cốt lõi với ramjet, vốn làm chậm luồng khí trước khi đốt cháy.

Sơ đồ minh họa so sánh ba loại động cơ phản lực gồm turbojet, ramjet, Scramjet được sử dụng trong các phương tiện bay quân sự hoặc thử nghiệm, với các cấp độ tốc độ và công nghệ khác nhau - Ảnh: Republic World
Nhờ không cần mang oxy hóa trong thân, scramjet giúp giảm trọng lượng, kéo dài thời gian bay và tăng tầm hoạt động, một lợi thế chiến lược rõ rệt cho các nhiệm vụ tấn công sâu. Vào tháng 11.2024, DRDO đã hoàn thành một thử nghiệm mặt đất kéo dài 1.000 giây cho động cơ này, chứng minh khả năng vận hành ổn định ở nhiệt độ vượt quá 2.000°C, một yêu cầu bắt buộc với vũ khí di chuyển ở tốc độ gấp 8 lần âm thanh.
Để chịu đựng điều kiện khắc nghiệt như vậy, thân tên lửa được chế tạo bằng vật liệu siêu chịu nhiệt và chống oxy hóa, tích hợp lớp phủ đặc biệt do DRDO phối hợp cùng Bộ Khoa học - Công nghệ Ấn Độ phát triển. Các vật liệu này không chỉ ngăn sự suy giảm cấu trúc khi bay qua tầng khí quyển nóng bỏng mà còn bảo vệ vũ khí trong các môi trường giàu muối, ẩm, hoặc ăn mòn cao như trên biển.
ET-LDHCM được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính hiện đại, có thể kết hợp với vệ tinh định vị NavIC hoặc GPS để tăng độ chính xác khi tấn công. Tên lửa có khả năng bay thấp, thực hiện các thay đổi hướng giữa hành trình và mang theo đầu đạn nặng từ 1.000 đến 2.000kg, phù hợp cho cả vũ khí thông thường lẫn hạt nhân. Nhờ vào cấu trúc bay phi đạn đạo và hiệu ứng plasma sinh ra khi bay ở tốc độ siêu vượt âm, ET-LDHCM làm giảm tín hiệu phản xạ radar, khiến đối phương khó phát hiện và đánh chặn hơn so với các tên lửa đạn đạo truyền thống.

Sơ đồ minh họa về cách hoạt động của tên lửa ET-LDHCM - Ảnh: Republic World
Tính linh hoạt trong triển khai cũng là điểm nổi bật: ET-LDHCM có thể được phóng từ mặt đất, tàu chiến hoặc chiến đấu cơ như Su-30MKI và Rafale, cho phép tích hợp vào nhiều kịch bản tác chiến đa miền. Với độ chính xác cao và khả năng xuyên thủng phòng không hiện đại, tên lửa này đủ sức vô hiệu hóa các mục tiêu chiến lược như trung tâm chỉ huy, hệ thống radar, tàu mặt nước và công trình quân sự kiên cố.
Những khác biệt với các dòng tên lửa khác của Ấn Độ và quốc tế
So với các dòng tên lửa hiện có trong kho vũ khí của Ấn Độ, ET-LDHCM thuộc thế hệ hoàn toàn mới với khả năng cơ động và linh hoạt vượt trội. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh BrahMos chỉ đạt tốc độ mach 3, tầm bắn khoảng 450km, sử dụng động cơ ramjet nhưng không thể điều chỉnh đường bay giữa hành trình.

Tên lửa siêu thanh BrahMos - Ảnh: Reuters
Agni-5 - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với tầm bắn trên 5.000km, chủ yếu phục vụ mục đích răn đe hạt nhân và không có khả năng duy trì tốc độ siêu vượt âm trong khí quyển. Còn tên lửa Shaurya đạt khoảng mach 7,5, triển khai từ hầm phóng và bay theo quỹ đạo cố định, thiếu linh hoạt. Ngoài ra, K-series như K-4 và K-15 được phóng từ tàu ngầm, sử dụng nhiên liệu rắn nhưng không có khả năng điều hướng linh hoạt trong hành trình bay.
Điểm nổi bật của ET-LDHCM là khả năng duy trì bay trong khí quyển ở tốc độ siêu vượt âm, với điều khiển quỹ đạo thời gian thực, có thể phóng từ nhiều nền tảng, giúp tăng khả năng sống sót và thích ứng với các chiến trường đa dạng.
Trên bình diện quốc tế, ET-LDHCM thể hiện cả điểm chung và khác biệt đáng kể so với các hệ thống tiên tiến của Nga, Mỹ và Trung Quốc. Nga sở hữu tên lửa 3M22 Zircon có tốc độ tương đương mach 8, được triển khai từ tàu chiến, nhưng tầm bắn ngắn hơn và kém linh hoạt hơn ET-LDHCM.
Mỹ phát triển hệ thống LRHW (Dark Eagle) đạt mach 17, áp dụng công nghệ boost-glide - tức dùng tên lửa đẩy để đạt tốc độ cao, sau đó nó lướt trong khí quyển mà không có lực đẩy duy trì. Điều này khác với scramjet của ET-LDHCM, vốn duy trì tốc độ siêu vượt âm nhờ động cơ phản lực đốt siêu thanh trong suốt hành trình.

Hệ thống tên lửa siêu vượt âm LRHW (Dark Eagle) của Mỹ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Trung Quốc cũng sử dụng boost-glide trong các hệ thống DF-ZF và DF-27, dựa vào pha đẩy ban đầu và lực nâng để quay lại khí quyển ở tốc độ cao, nhưng thiếu khả năng bay chủ động liên tục như ET-LDHCM. Ưu thế của ET-LDHCM chính là khả năng duy trì tốc độ cao ổn định trong bầu khí quyển ở độ cao thấp, với hành trình linh hoạt, giúp né tránh các hệ thống phòng thủ hiện đại, một hướng tiếp cận gần với định hướng tên lửa hành trình tốc độ cao của Mỹ và Nga, khác biệt rõ với chiến lược boost-glide của Trung Quốc.
Dự án Vishnu
Dự án Vishnu đánh dấu bước tiến chiến lược của Ấn Độ trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, với ET-LDHCM là hệ thống đầu tiên trong tổng số 12 mẫu tên lửa đang được DRDO phát triển. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ sinh thái vũ khí thế hệ mới, bao gồm cả tên lửa tấn công và đánh chặn. Dự án kế thừa nền tảng công nghệ từ chương trình HSTDV trước đó, vốn đã chứng minh khả năng chế tạo và vận hành ổn định động cơ scramjet trong điều kiện thực tế.
ET-LDHCM không chỉ là thành tựu về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện cam kết phát triển nội địa khi được thiết kế và sản xuất tại Tổ hợp tên lửa Dr. A.P.J. Abdul Kalam với sự tham gia của nhiều công ty tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đúng định hướng “Make in India”.
Về mặt chiến lược, sự ra đời của ET-LDHCM là phản ứng rõ rệt của Ấn Độ trước các thách thức an ninh khu vực đang gia tăng bao gồm mối đe dọa từ Pakistan và khu vực biên giới với Trung Quốc. Tên lửa này là một phần trong học thuyết răn đe tối thiểu đáng tin cậy mà Ấn Độ đang theo đuổi. Nhờ tốc độ cao, khả năng bay thấp, tàng hình hiệu quả và quỹ đạo linh hoạt, ET-LDHCM được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng không tiên tiến như Iron Dome (Israel), THAAD (Mỹ) hay S-500 (Nga), qua đó phá vỡ thế cân bằng chiến thuật và tạo ưu thế trong môi trường tác chiến hiện đại.
Bên cạnh giá trị quân sự, chương trình còn mang lại những cơ hội phát triển công nghệ lưỡng dụng. Các tiến bộ về động cơ scramjet, vật liệu chịu nhiệt, và hệ thống điều khiển có thể được ứng dụng trong lĩnh vực không gian, phóng vệ tinh, vận tải siêu thanh và đào tạo nhân lực công nghệ cao.
DRDO hiện đang hợp tác chặt chẽ với các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước để mở rộng các ứng dụng dân sự cũng như thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng. Trong những năm tới, ET-LDHCM dự kiến sẽ làm nền tảng cho các dòng vũ khí siêu vượt âm mới như phương tiện lướt HGV, với mốc hoàn thiện đặt ra vào giai đoạn 2027 - 2028.