Tết cơm mới của người Xa Phó
Ở miền biên cương Lào Cai - 'nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt' có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi độ Thu sang, khi những tràn ruộng bậc thang chín rộ, những nương lúa nơi lưng núi ngả vàng, đồng bào các dân tộc thiểu số rộn ràng bước vào vụ gặt, cũng là lúc bà con đón mừng Tết cơm mới. Đồng bào Tày, Giáy thường tổ chức cho dân bản thi làm cốm và làm các món ẩm thực từ cốm để cúng cơm mới. Đồng bào Dao đỏ, La Chí tổ chức nghi lễ cúng hồn lúa..., còn đồng bào Xa Phó tổ chức ăn Tết cơm mới.
Trong chộn rộn của mùa màng bội thu, chúng tôi có dịp về Ta Khuấn - bản người Xa Phó ở xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để cùng đón Tết cơm mới của đồng bào nơi đây. Ngay từ tờ mờ sáng, chúng tôi lỉnh kỉnh máy ảnh lên đường để không bỏ lỡ cơ hội ghi lại những nghi thức quan trọng trong Tết cơm mới của dân tộc Xa Phó. Ai cũng háo hức vì đây là lần đầu tiên được tham dự.
Chúng tôi vào bản Ta Khuấn khi trời bắt đầu thả những tia nắng đầu tiên xuống cánh đồng lúa đã đôi thửa lác đác gặt xong. Nơi chúng tôi đến là ngôi nhà sàn truyền thống của một gia đình người Xa Phó, chủ nhà hôm nay làm Tết cơm mới mời họ hàng bạn bè cùng đến dự. Trong bếp gia đình chủ nhà làm cơm mới đã đỏ lửa, mùi xôi lan tỏa khắp không gian. Dưới nhà sàn, một tốp đàn ông dân tộc Xa Phó đang pha mẻ thịt để bày cỗ, họ nói cười rôm rả.
Bà Lự Thị Đông, ở thôn Ta Khuấn chia sẻ: Năm nào cũng vậy, với mong muốn năm sau sẽ mưa thuận, gió hòa, cây lúa ở mùa vụ sau sẽ trổ bông, chắc hạt, mọi gia đình trong bản đều no ấm, yên vui, người Xa Phó có truyền thống tổ chức nghi lễ rước "hồn lúa" về kho để nghỉ ngơi, dâng cơm mới mời tổ tiên rồi cả bản cùng vui múa hát, chơi trò chơi dân gian...
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ Phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: Trong tín ngưỡng Tết cơm mới của dân tộc Xa Phó, độc đáo nhất vẫn là nghi lễ giữ "hồn lúa" ở ruộng, ở nương (trước đây, đồng bào thường canh tác lúa nương) và nghi lễ rước "hồn lúa" về kho hoặc sàn nhà. Do đó, ngày đầu tiên đi gặt, chỉ có 2 vợ chồng chủ nhà, dậy sớm chuẩn bị gói cơm và chiếc hái, gùi, đặc biệt có hòn "đá thần" (loại đá trắng có nhiều hạt hình ngũ giác tạo thành - trông giống hạt gạo).
Quan niệm của người Xa Phó, ngày đầu tiên đi cắt lúa là ngày đi đón "hồn lúa" về nhà nên mọi việc phải được kiêng kỵ, thì "hồn lúa" mới về đến nhà, nên chủ nhà thường phải đi một mạch từ nhà đến ruộng lúa, không đi đường tắt, trên đường đi không hỏi chuyện hay trả lời người khác. Đến ruộng lúa, chủ nhà thực hiện các thao tác để giữ "hồn lúa" tại ruộng. Xong nghi thức giữ "hồn lúa", mới được thu hoạch lúa và mang về nhà. Khi mang lúa vào nhà, người Xa Phó sẽ đặt những cụm lúa ở mẹt, chia thành một nắm lúa tẻ, một nắm lúa nếp để dâng cúng. Còn lại, họ xếp thành 3 cụm lúa chồng lên cao tạo thành hoa lúa.
Ngày tổ chức ăn mừng cơm mới, gia đình chủ nhà chuẩn bị chõ đồ cả gạo nếp và gạo tẻ, 3 bông hoa gừng, 3 chùm cà gai, 1 gói thịt sóc, 3 quả đỗ nương, 3 quả mướp, 1 búp hoa chuối..., sau đó bày mâm cỗ cúng tổ tiên. Nếu mời khách đến ăn cơm mới, chủ nhà thường làm thêm một số món ăn như xôi nhiều màu, thịt gà luộc, thịt lợn nướng, canh khoai sọ, canh măng...
Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Người Xa Phó vẫn giữ được nét độc đáo trong văn hóa truyền thống từ trang phục đến sinh hoạt thường nhật, những nghi lễ quan trọng trong năm, trong đó có Tết cơm mới, được bà con rất chú trọng và coi đây là một nghi lễ thiêng. Người Xa Phó quan niệm, tổ chức Tết cơm mới để rước hồn lúa về để cúng với ý nghĩa biết ơn "thần lúa" đã cho mùa màng bội thu và cầu mong mùa vụ sau, mùa màng tiếp tục được tươi tốt, bản làng bình yên.
Để phát huy và bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Xa Phó, những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các nghệ nhân, già làng ở các thôn, bản có người Xa Phó sinh sống để sưu tầm, ghi chép và phục dựng các lễ hội độc đáo. Năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai tổ chức phục dựng Tết cơm mới, ngoài các nghi lễ chính thức cúng tại gia đình, còn tổ chức các màn múa hát, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian... rất sôi động, thu hút đông bà con Xa Phó trong bản Ta Khuấn tham gia.
Vậy là chúng tôi có dịp được hòa mình vào không gian lễ hội của người Xa Phó. Đầu tiên là trình diễn nghi thức cúng làm lý giữ "hồn lúa" tại nương, sau đó là tái hiện màn múa mô phỏng phương thức chọc lỗ, tra lúa trong kỹ thuật canh tác lúa nương truyền thống của người Xa Phó. Cùng với đó là màn trình diễn thổi sáo mũi “cúc kẹ” và thổi khèn “ma nhí” - loại nhạc cụ độc đáo của người Xa Phó. Tiếp đến là các trò chơi dân gian, ném còn, đi cà kheo, chơi cù quay..., kết thúc là vòng xòe đoàn kết của bà con dân bản.
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai cho biết: Không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Xa Phó - một trong những dân tộc rất ít người được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thông qua các nghi lễ còn nâng tầm các lễ hội độc đáo, các bài dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian để trở thành các sản phẩm du lịch, thu hút được nhiều du khách thập phương đến với địa phương.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tet-com-moi-cua-nguoi-xa-pho-post468149.html