Tết này vắng mẹ
.
Mẹ đi thăm thẳm miền mây trắng
Không ngoái nhìn con lấy một lần
Bỏ lại mùa xuân, chiều quạnh vắng
Mai vàng xao xác bến phù vân…
Đây là mùa xuân thứ ba, mẹ tôi không còn có mặt trên đời. Điều này càng khiến cho những ký ức đẹp đẽ, không phai mờ về mẹ tôi luôn hiện diện trong mái nhà ấm áp, gợi nhớ bao nhiêu điều khó quên về mẹ khi xuân về, tết đến.
Sinh thời, từ nửa cuối tháng chạp, mẹ đã bắt đầu các công việc chuẩn bị phục vụ cho ngày tết cổ truyền theo tập quán của ông bà xưa để lại. Ngoài 2 món đặc sản ngày tết ở Bình Thuận không bao giờ thiếu vắng là: Cốm hộc và bánh tráng cuốn với măng kho, mẹ còn tất bật lo làm củ cải, củ kiệu, củ hành… theo cách riêng của mẹ vẫn làm từ thời con gái. Rồi còn hoa, nào là trường sanh, vạn thọ… mẹ đã trồng từ trước đó làm sao bảo đảm đến tết là có hoa chưng trên bàn thờ ông bà, không phải tốn tiền mua hoa ngoài chợ. Mẹ nói, tết phải chưng hoa trường sanh hoặc vạn thọ với ý nghĩa cầu mong mọi người trong gia đạo luôn sống khỏe, sống thọ; quanh năm an lành, công việc làm ăn, học hành của con cháu luôn hanh thông, thuận lợi.
Ở quê tôi, cốm hộc, được làm từ loại nếp 3 tháng do nông dân sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống; hạt nếp to tròn mẩy, mới nhìn đã thấy no con mắt. Nếp 3 tháng thu hoạch xong, phơi khô, khi rang lên trong chảo nóng sẽ nổ bung thành hạt nổ trắng tinh, nhìn như những nụ hoa chúm chím rất xinh xắn. Đường tán mua về được nấu cho tan chảy, dùng để ép cốm cũng được chú ý cẩn thận với liều lượng hợp lý, để khi trộn thành hỗn hợp với nổ đã lượm sạch vỏ trấu sẽ hòa quyện gắn kết vào nhau. Đến khâu ép cốm còn phải chú ý cho hạt nổ vào đều cả 4 góc, nén thật chặt để bảo đảm hộp cốm thành phẩm có hình chữ nhật vuông thành, sắc cạnh. Điều này còn tùy thuộc vào người trực tiếp ép cốm, phải khỏe và có mắt nhìn thẩm mỹ. Sau khi phơi với thời gian đủ để hộc cốm không còn quá ướt, là đến khâu dán cốm bằng những loại giấy đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Hộc cốm thành phẩm còn được trang trí bởi những họa tiết có hình các loại hoa cắt thật khéo léo, dán ở hai đầu trước khi chưng lên bàn thờ gia tiên. Khi anh chị em tôi đã lớn, những công việc này mẹ không còn phải trực tiếp làm lấy mà giao lại cho các con đảm nhận. Mẹ chỉ hướng dẫn cách thức thắng (nấu) đường, trộn nổ, đôi khi rắc thêm ít dầu chuối, sao cho hộc cốm bảo đảm chất lượng, ra ngoài tháng giêng vẫn còn ăn được một cách ngon lành.
Chỗ mẹ ngồi bên trái chiếc bàn gỗ, đặt ở giữa nhà đã ba năm để trống. Tết này, những phong bao mừng tuổi mẹ, anh em chúng tôi chỉ còn biết thành kính đặt lên bàn thờ. Và lời chúc năm mới đã trở thành những lời khấn nguyện thì thầm hòa quyện với khói hương, mong mẹ dù ở nơi xa xôi nào vẫn luôn dang rộng vòng tay chở che cho con cháu. Những món ăn mẹ thích khi còn sống, con cháu đã dâng đầy đủ lên mâm và không khí đoàn tụ gia đình vẫn không khác gì lúc còn có mẹ nhưng cảm giác trống vắng khi thiếu mẹ là không sao bù đắp được. Nhìn những món củ cải, củ kiệu, củ hành… do các em tôi đặt lên bàn thờ, tự dưng nước mắt tôi trào ra lúc nào không hay biết. Nhớ lại những lần giỗ, tết, mẹ cẩn thận gói ghém từng phần quà, chia cho mỗi gia đình, không bỏ sót một ai. Phong bao các con mừng tuổi, mẹ cắc ca cắc củm để dành, đến cuối năm lại lì xì cho các cháu nhỏ. Những cây dừa, cây ớt, cây xoài… mẹ trồng xung quanh nhà ngày xưa, đến nay cây nào cũng sum suê trái. Con cháu tụ về sum vầy, hưởng lộc càng thấm thía bao công lao khó nhọc mẹ đã từng chăm bón sớm hôm…
Mẹ ơi! Lại thêm một cái tết, nhà mình vắng mẹ nhưng từ sâu thẳm trong tâm trí con, mẹ vẫn luôn hiện hữu không rời; đôi mắt hiền từ đong đầy hạnh phúc bên đàn cháu, đàn con mẹ vẫn hằng yêu quý lúc sinh thời.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tet-nay-vang-me-124755.html