Tết rừng - bảo vệ vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu
Nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Mông Nà Hẩu nói riêng, cũng như nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, hằng năm vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, Nà Hẩu lại tổ chức Tết rừng.
Năm nay Tết rừng Nà Hẩu sẽ được tổ chức trong ngày 8 và 9/3 (tức 28 và 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại xã Nà Hẩu với quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào Mông.
Nà Hẩu là xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Xã có diện tích tự nhiên hơn 5.600 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng như mái nhà chung của hơn 500 hộ người Mông với hơn 2.500 nhân khẩu. Trải qua hàng trăm năm chung sống gắn bó hòa thuận với rừng, hiểu được luật rừng, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng.
Ông Sùng A Xà, ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu cho biết: rừng là nơi chở che dân bản tránh gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.
Rừng cũng là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, là nơi để thực hành nghi lễ tín ngưỡng cúng rừng, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp họ có cuộc sống mạnh khỏe; chăn nuôi, trồng cấy thuận lợi, các dòng họ trường tồn. Do vậy, bà con nhân dân ở đây luôn đồng lòng gìn giữ rừng bằng các quy ước, hương ước và cả những luật tục.
"Theo tục lệ của người Mông thì từ ngày xưa đã có tục cúng rừng. Hàng năm thầy cúng sẽ làm các phép bùa để giữ các khu rừng, bảo vệ nguồn nước. Nếu mà người nào cố tình vi phạm, phát phá rừng, chặt cây to sẽ bị ốm đau", ông Sùng A Xà nói.
Từ tập quán, tín ngưỡng tôn trọng, bảo vệ rừng, coi rừng là ngôi nhà chung của cộng đồng, vì vậy, thôn, bản nào ở Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm, rừng thiêng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm như cây chò nâu, dổi, trám, de, lát hoa, pơ mu... cũng là nơi sinh sống của khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, gần 50 loài bò sát, trong đó có nhiều loài trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa, chim hồng hoàng…
Ngày nay, tập quán, tín ngưỡng tôn trọng, ý thức giữ rừng của bà con dân tộc Mông Nà Hẩu đang được huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái từng bước nhân rộng, phát triển thành Lễ hội Tết rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái, khám phá rừng nguyên sinh.
Bà Lã Thị Liền, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hằng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức "Lễ cúng Thần rừng” hay còn gọi là "Tết rừng”. Đây không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh, bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông, mà còn góp phần thiết thực vào bảo vệ rừng.
"Tết rừng được tổ chức nhằm tuyên truyền bà con nhân dân Nà Hẩu nói riêng, nhân dân Văn Yên nói chung trong việc bảo vệ rừng nguyên sinh; là dịp quảng bá, nhân rộng, thúc đẩy hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường; ý thức, trách nhiệm bảo vệ các nét văn hóa, tập quán độc đáo của dân tộc; Từng bước thu hút khách du lịch thăm quan sự kỳ thú của khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, cũng như trải nghiệm các điệu dân ca, dân vũ, các món ẩm thực của người Mông nơi đây, hướng tới nền kinh tế xanh, nền du lịch phát triển xanh", bà Lã Thị Liền cho biết.
Năm nay, Tết rừng Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái) được tổ chức với quy mô cấp huyện vào ngày 28 và 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn (tức ngày 8, 9/3) với nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào Mông Nà Hẩu như: thực hiện nghi lễ cúng rừng; hội thề giữ rừng và Ăn Tết rừng của người dân tộc Mông; hoạt động Chợ quê người Mông; thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ dân tộc Mông…
Theo quy định của bà con Nà Hẩu, sau Tết rừng, các thôn bản đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần Rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục như: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không thả rông gia súc… Với cách giữ rừng đặc biệt, người dân cùng với chính quyền, lực lượng kiểm lâm luôn gắn chặt với nhau trong bảo vệ rừng, các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép đều được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhờ vậy trong nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Yên Bái) luôn được bảo vệ tốt, xã Nà Hẩu có tỉ lệ rừng che phủ đạt tới 90%.