Tết sớm ở Tháp Mười…
Tết đến gần, nhiều đoàn từ thiện đã dành những phần quà tặng đến người mù khó khăn, chia sẻ cái Tết ấm tình… Vậy là, bà con người mù ở Tháp Mười có Tết sớm.
Bà Trần Thị Mãnh, trưởng nhóm Phật tử thiện nguyện ở TP.Sa Đéc chia sẻ: “Có đi đến tận nơi mới hiểu hết tâm sự của người mù nghèo. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động để sang năm có thể chia sẻ khó khăn của cô bác được nhiều hơn. Mặc dù ‘lá rách đùm lá nát’, tài vật không nhiều nhưng qua tiếp xúc với bà con chúng tôi cảm thấy ít nhiều mình đã mang hơi ấm Tết cho người mù nghèo như hơi ấm tình người mà họ từng mong đợi.”
Sáng sớm ngày 6-1(12 tháng Chạp âm lịch), cô bác khiếm thị ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã được người thân chở hoặc đi xe hon-da ôm đến sân cơ quan khối vận của huyện ngồi xếp hàng chờ nhận quà. Đợt tặng quà đầu năm 2020 của Ban Bảo trợ Nhân đạo xã Tân Bình, huyện Châu Thành và nhóm Phật tử TP.Sa Đéc có 170 phần quà.
Được biết, mỗi phần gồm 10 kg gạo, thùng mì gói, 1 kg đường, bột ngọt, dầu ăn, nước tương, bánh phồng tôm và 50.000 đồng tiền mặt.
Người mù nghèo ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp nhận quà Tết sớm
Ông Huỳnh Văn Quang, 73 tuổi, ở xã Thanh Mỹ hớn hở nói: “Trước đây, tôi đi bộ đội tiểu đoàn 502, bị trúng đạn nên bị mù hai mắt. Quà Tết được vậy là vợ chồng tôi có cái Tết đạm bạc rồi. Tôi có ba người con gái đều đã lấy chồng và đi làm mướn. Nó nghèo lắm, hằng ngày vợ chồng tôi sống nhờ tiền trợ cấp người mù gần 900.000 đồng/ tháng của Nhà nước và quà ủy lạo của cô bác hảo tâm.”
Còn ông Nguyễn Văn Chanh, 60 tuổi, ở xã Láng Biển bị mù hai mắt vì căn bệnh trái rạ từ năm 20 tuổi cho biết, ba người con của ông cũng đi làm mướn, nhà không có đất canh tác. Vợ ông bệnh suy tim, quanh năm hai vợ chồng cũng chỉ trông vào sự vận động giúp đỡ của Hội.
Ông nói: “Gần Tết, con tôi tranh thủ tát mương kiếm cá, kho cúng Tết chớ thịt heo năm nay lên giá mắc quá mua không nổi. Tết ở quê đơn sơ, đạm bạc lắm, nhất là người mù nghe mùi bông hoa chớ có thấy được gì đâu.”
Bà Nguyễn Thị Lan, 72 tuổi, xã Tân Kiều bị mù từ năm 33 tuổi do mắt bị cườm nước không có điều kiện chữa trị chia sẻ: “Tết có đầy đủ gạo trong nhà là vui rồi. Tôi có bốn người con đều có gia đình, đi làm mướn và nghèo. Tết mỗi đứa lo tiếp một chút cùng sự giúp đỡ của Nhà nước, các nhà hảo tâm cũng đủ có cái Tết đầm ấm.”
Con trai lớn của bà Lan là anh Nguyễn Văn Cường, 52 tuổi cũng bị mù do căn bệnh trái rạ từ năm 8 tuổi. Con trai út 11 tuổi của anh đã nghỉ học và hằng ngày dắt cha đi bán vé số dạo. Anh nói, Tết ở vùng sâu vắng vẻ lắm, nghe tiếng nhạc múa lân từ máy hát nhà hàng xóm, tiếng karaoke và cụng ly tiệc tùng rộn rã của anh em là biết Tết vậy thôi. Nhưng chính những lời động viên và chúc Tết của cô bác hảo tâm mới làm cho tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Người mù nghèo quanh năm lặn lội mưa nắng kiếm cơm có gì mà vui.”
Ông Trương Văn Nguyên, cán bộ Hội Người mù huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay vùng sâu Tháp Mười hầu hết không còn cảnh cầu tre lắc lẻo nhưng đường sá xa xôi, hoạt động giúp đỡ hội viên của Hội cũng ít nhiều bị hạn chế. Mỗi năm chỉ vài đợt ủy lạo của các nhà hảo tâm trong tỉnh".
Theo ông Nguyên, trong huyện có 90 người khiếm thị, đa số đều có gia cảnh nghèo và tự lực mưu sinh bằng nghề mua bán dạo. Vì vậy, 170 phần quà Tết đợt đầu năm dương lịch này thật sự là những món quà thiết thực, góp phần cho cái Tết của người mù nghèo ở huyện Tháp Mười thêm ý nghĩa.
Bài, ảnh: Thanh Tuyền
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//tuthienxahoi/2020/01/09/17d69a/